Cụ thể, trong tháng có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Sự tăng mạnh về số dự án cùng sự xuất hiện của dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Ngoài ra, tháng 1/2024 còn có 75 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 15,7% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 235,4 triệu USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ và có 174 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 14,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 116,5 triệu USD, giảm 33,1% so với cùng kỳ.
Trong số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1-2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 65,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Nhật Bản đầu tư 302,6 triệu USD, chiếm 15%; Trung Quốc đầu tư 142,1 triệu USD, chiếm 7,1%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư 74,7 triệu USD, chiếm 3,7%...
Cùng với xu hướng tích cực của vốn đăng ký, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tại Việt Nam trong tháng 1 đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 147,3 triệu USD, chiếm 10%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 72,4 triệu USD, chiếm 4,9%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2024 có 11 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 16,2 triệu USD, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,4 triệu USD, chiếm 33,2% tổng vốn đầu tư; hoạt động xây dựng đạt 5 triệu USD, chiếm 30,9%; hoạt động khai khoáng đạt 4 triệu USD, chiếm 24,7%.
Trong tháng 1/2024 có 6 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam. Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 5,9 triệu USD, chiếm 36,1% tổng vốn đầu tư; Đức 5,4 triệu USD, chiếm 33,2%; Lào 4,2 triệu USD, chiếm 26,2%.
Để tăng cường thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu; trong đó, đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, các địa phương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như: Đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan...
Ngoài ra, Bộ này cũng sẽ đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới; đồng thời, sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư…