Khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố án phạt 500 triệu euro đối với Apple và 200 triệu euro dành cho Meta vì vi phạm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), đó không chỉ là tín hiệu cho thấy châu Âu đang nghiêm túc thực thi các quy tắc cạnh tranh công bằng. Đó còn là lời cảnh báo với toàn bộ ngành công nghệ toàn cầu: Kỷ nguyên “tự do vô trách nhiệm” của các ông lớn công nghệ Mỹ trên đất châu Âu đã đi đến hồi kết.
Theo EC, Apple bị phạt vì đã cản trở các nhà phát triển phân phối ứng dụng bên ngoài App Store, giới hạn sự lựa chọn và quyền tiếp cận các ưu đãi rẻ hơn của người dùng. Meta – công ty mẹ của Facebook và Instagram – bị xử lý vì ép buộc người dùng châu Âu lựa chọn giữa việc trả tiền để không bị theo dõi hoặc miễn phí với cái giá là dữ liệu cá nhân của họ. Cả hai hành vi đều bị xem là vi phạm nguyên tắc cốt lõi của DMA: quyền kiểm soát thông tin và lựa chọn thực sự của người dùng.
Điều đáng chú ý hơn cả, đây là lần đầu tiên EC sử dụng DMA để xử phạt – một công cụ pháp lý mới được thiết kế để tái lập trật tự trong cuộc chơi kỹ thuật số, nơi các “gã khổng lồ” công nghệ ngày càng nắm quá nhiều quyền lực.
Không ngạc nhiên khi cả Apple lẫn Meta đều phản ứng gay gắt. Apple cáo buộc EC đang buộc họ “mở cửa miễn phí” công nghệ, vi phạm quyền bảo mật và làm suy yếu hệ sinh thái của mình. Trong khi đó, Meta cho rằng EU đang “phân biệt đối xử” với doanh nghiệp Mỹ, trong khi lại để ngỏ cánh cửa cho các đối thủ Trung Quốc và châu Âu.
Điểm đáng chú ý là làn sóng phản ứng này không chỉ đến từ doanh nghiệp. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump – vốn vốn không có thiện cảm với các quy định công nghệ châu Âu – cũng nhiều lần chỉ trích DMA như một công cụ nhắm vào thành công của Thung lũng Silicon. Cuộc chiến pháp lý vì thế mang cả sắc thái địa chính trị.
Tuy nhiên, đứng trên lập trường của người tiêu dùng, vụ việc lại mang một ý nghĩa khác. Trong suốt thập kỷ qua, người dùng châu Âu gần như không có lựa chọn thật sự khi bị “giam cầm” trong hệ sinh thái của Apple hoặc bị theo dõi dữ liệu mà không rõ ràng như Meta. Việc áp dụng mức phạt nghiêm khắc – dù chưa chạm ngưỡng 10% doanh thu toàn cầu – là bước đi quyết đoán thể hiện rằng EU không còn khoan nhượng.
Châu Âu đang dần định hình một mô hình Internet mới: minh bạch, cân bằng quyền lực và tôn trọng người dùng hơn. Đó không chỉ là câu chuyện về luật – mà còn là một quan điểm chính trị, kinh tế và đạo đức: công nghệ phải phục vụ con người, không phải ngược lại.
Vấn đề là: liệu Mỹ – và chính các công ty công nghệ – sẽ tiếp tục phản kháng đến cùng, hay buộc phải chấp nhận rằng "thời kỳ hoàng kim không kiểm soát" đã trôi qua?