Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2019 do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), kết hợp cùng Trung tâm Hỗ Trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương và công ty Reed Tradex tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp và mang lại nhiều thông tin hữu ích cho khách tham dự.
Cùng với chủ đề xuyên suốt của Diễn đàn là “Kết nối doanh nghiệp Công nghiệp Hỗ trợ tham gia vào chuỗi Sản xuất Toàn cầu”, các đại biểu tham dự đã được nghe các diễn giả đến từ Bộ Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, đại diện Công ty Samsung Việt Nam (nhà sản xuất đầu chuỗi) và đại diện một số công ty đã và đang tham gia vào chuỗi Sản xuất Toàn cầu chia sẻ những thông tin cập nhật nhất về ngành điện tử Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biến động và những yêu cầu của các nhà sản xuất đầu chuỗi cũng như khó khăn, thuận lợi của các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và cung ứng của ngành điện tử hiện nay.
Tại diễn đàn, Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp – Bộ Công thương đã cập nhật các vấn đề liên quan đến ngành Công nghiệp Điện tử Việt Nam, Cơ hội từ EVFTA và chính sách kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đứng ở góc nhìn của Chính phủ. Theo đó, sự kiện Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (IPA) ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, được đánh giá là cơ hội vàng cho hợp tác kinh tế giữa tất cả các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp điện tử nói riêng với các nước trong Liên minh châu Âu (EU), thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.
Mặc dù có nhiều nhận định tích cực từ những cơ hội do nền kinh tế toàn cầu hiện nay mang lại cho ngành điện tử như việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu và FDI vào Việt Nam, nhưng theo bà Đỗ Thuý Hương, Uỷ viên Ban Chấp Hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) thì vẫn còn những tác động không thuận lợi như: “Nguy cơ tụt hâu xa hơn nếu không có chiến lược, đối sách phù hợp, đặc biệt là sự phát triển nhanh của CMCN 4.0 buộc phải phát triển dựa vào đổi mới, sáng tạo; Lao động chi phí thấp và nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có không còn là những lợi thế”, và: “ Nếu xung đột thương mại tiếp tục kéo dài và mở rộng, khi Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu với các nền kinh tế lớn, khi những chuỗi sản xuất này có điều chỉnh sẽ tác động đến các công đoạn sản xuất ở Việt Nam. Xuất khẩu có thể sụt giảm”. Hay những tác động ngoại cảnh như: “nếu không quản lý tốt và thu hút FDI chọn lọc, có thể sẽ phải chịu hệ quả của việc dịch chuyển công nghệ trung bình và thấp vào Việt Nam. Các thách thức an ninh phi truyền thống: biến đổi khí hậ̂u, khai thác tài nguyên thiếu bền vững sẽ tác động mạnh đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.
Ở phần chia sẻ của các đại biểu đến từ doanh nghiệp, Diễn đàn hết sức hứng thú với phần chia sẻ của đại diện đến từ Công ty Hanel PT, bà Trần Thu Trang, Tổng Giám đốc, đã nhấn mạnh về văn hoá doanh nghiệp và những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi, trở thành nhà cung cấp của những tập đoàn đa quốc gia, đồng thời doanh nghiệp cũng ở tầng trung, khi có hàng loạt các nhà cung cấp của chính mình. Lời cảm ơn và đi thăm các nhà cung cấp của công ty hàng năm cũng là một văn hoá giữ và tạo dựng niềm tin với bạn hàng của công ty.
Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc của Hiraki Việt Nam lại chia sẻ quan điểm về nhân sự, trong đó doanh nghiệp không ngại việc đào tạo những nhân sự giỏi và tạo cơ hội và cơ chế để nhân tài ra đi, đứng độc lập, nhưng vẫn có khả năng hỗ trợ ngược lại cho chính công ty. Quan điểm về nhân sự này cũng đã giúp Hiraki lớn mạnh không ngừng và tạo dựng được một hệ thống chuỗi cung ứng trong hệ thống Hiraki. Ông Cường cũng chia sẻ sự đơn lẻ, thiếu gắn kết giữa các doanh nghiệp nội và bày tỏ mong muốn tăng cường sự liên kết này, góp phần hình thành một chuỗi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong cùng một modul ngành hàng, nhằm tương hỗ lẫn nhau và kéo theo những hợp đồng hợp tác, gia công lớn cho doanh nghiệp nội địa.
Đại diện đến từ Công ty Điện tử Samsung Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ Chiến lược, Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam đã chia sẻ chi tiết Nhu cầu về hàng hóa trong thời gian tới và những yêu cầu để trở thành nhà cung cấp cho Samsung.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc, Công ty Reed Tradex Việt Nam chia sẻ: “Công ty Reed Tradex Việt Nam hân hạnh hợp tác cùng Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức sự kiện Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2019 với chủ đề “Giới thiệu Chương trình Kết nối doanh nghiệp Công nghiệp Hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” như một cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ sự liên kết giữa các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành điện tử và các lĩnh vực có liên quan.”
Phần hỏi đáp giữa doanh nghiệp có câu hỏi liên quan đến vụ việc hàng "Made in Vietnam" gần đây trong ngành điện tử thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Thông tin mới nhất từ hội thảo là Chính phủ và Bộ ngành liên quan đang rất khẩn trưởng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quy định các mặt hàng mang thương hiệu sản xuất tại Việt Nam khi lưu thông trên thị trường nội địa.
Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2019 được tổ chức vào ngày thứ 2 của triển lãm NEPCON, triển lãm lớn nhất trong năm của ngành điện tử đã diễn ra thành công tốt đẹp mang đến những ấn tượng khó phai cho các khách tham quan. Triển lãm chỉ còn diễn ra đến hết ngày hôm nay, hãy nhanh chóng tham gia và nắm bắt tất cả cơ hội kinh doanh tiềm năng.