Sean Kelly, một người cha ba con tại Australia, từng hy vọng chiếc robot hút bụi sẽ giúp cuộc sống gia đình anh nhàn nhã hơn. Thế nhưng, anh không ngờ thiết bị này lại tồn tại lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, biến nó thành công cụ giám sát gia đình anh, theo báo cáo của ABC News. Lỗ hổng này dù đã được phát hiện từ tháng 12/2023 nhưng chỉ sau khi sự cố với Kelly xảy ra, nhà sản xuất mới vào cuộc khắc phục.
“Thử tưởng tượng một chiếc webcam chạy khắp nhà, ghi lại mọi khoảnh khắc riêng tư của gia đình bạn,” Kelly ví von về trải nghiệm ám ảnh.
Để tìm hiểu rõ hơn nguy cơ này, ABC đã phối hợp với Dennis Giese, chuyên gia bảo mật hàng đầu từ Berlin. Giese chỉ ra rằng với một chiếc smartphone và kết nối Bluetooth, hacker có thể chiếm quyền điều khiển nhiều dòng robot hút bụi từ khoảng cách lên tới 140 mét. Thậm chí, các cuộc tấn công còn có thể được thực hiện từ xa nếu kẻ tấn công từng can thiệp vào phần cứng của thiết bị trước đó.
“Chỉ cần kết nối Bluetooth ban đầu để thu thông tin, mọi dữ liệu sau đó sẽ được truyền qua Wi-Fi của robot,” Giese giải thích.
Camera trên robot hút bụi, vốn được thiết kế để tránh vật cản, đã trở thành điểm yếu an ninh nghiêm trọng. Trong một thử nghiệm với Kelly, Giese đã điều khiển thiết bị từ xa, giúp phóng viên ABC ở dưới sân tòa nhà theo dõi căn bếp của Kelly từ tầng bốn, bất chấp lớp bê tông dày của tòa chung cư.
“Chào Sean. Chúng tôi đang nhìn thấy anh đây”
Robot không phát cảnh báo về việc ghi hình, và Kelly không hề biết nó đã bị cài đặt thêm tính năng theo dõi từ xa. Khi chiếc robot bất ngờ phát ra câu nói: “Chào Sean. Chúng tôi đang nhìn thấy anh đây”, Kelly sững sờ.
"Thật không thể tin nổi! Bluetooth kết nối từ xa được thế này sao? Đây là tầng 4 cơ mà!" – anh chia sẻ, ngỡ ngàng.
Dù vụ tấn công chỉ là thử nghiệm, nhưng các hình ảnh và video ghi lại từ robot đã được truyền ngay lập tức về máy tính của Giese ở Đức.
Sau gần một năm báo cáo sự cố, nhà sản xuất mới chính thức xác nhận và khắc phục lỗ hổng. Giese nhấn mạnh rằng các thiết bị gia dụng thông minh – từ robot hút bụi đến máy rửa bát – đều tiềm ẩn nguy cơ trở thành công cụ giám sát nếu không được bảo vệ cẩn thận.
Tiến sĩ Donald Dansereau từ Đại học Sydney cảnh báo: “Chúng ta đang sống trong một xã hội 'camera hóa'. Từ ô tô đến thiết bị gia dụng, đâu đâu cũng có camera đang hoạt động và ghi lại mọi thứ.”
Để tự bảo vệ, Giese khuyên người dùng che camera của thiết bị bằng một chiếc khăn khi không sử dụng. "Mọi thứ thông minh đều có thể là cửa ngõ cho những mối nguy nếu ta không để ý," ông nói.
Vụ việc không chỉ dấy lên cảnh báo về bảo mật cho các thiết bị thông minh, mà còn đặt ra câu hỏi về sự an toàn của chính không gian riêng tư trong mỗi gia đình.