Từ giữa tháng 8, trên các mạng xã hội Facebook, Instagram tràn ngập ảnh chân dung và phong cảnh theo phong cách anime do Loopsie, hoạt động trên iPhone, tạo ra. Trên App Store chiều 23/8, Loopsie vươn lên trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất ở Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty công nghệ an ninh mạng Việt Nam (NCS) cho biết: Nếu nhìn kỹ thì những bức ảnh anime này không hẳn là giống ảnh gốc, một số tình huống AI xử lý sai, nhận nhầm vật thể. Tuy nhiên người dùng vẫn chấp nhận và nhanh chóng trở thành trào lưu cũng vì coi đây chỉ là giải trí. Kỹ thuật tạo ảnh bằng AI không mới, thay vì mô tả cho AI biết mình cần bức ảnh thể hiện cái gì, khung cảnh ra sao thì những nhà sáng tạo đã cho phép up một ảnh gốc lên để AI tự tìm đề bài rồi tự ra lời giải.
Tuy vậy, tương tự các ứng dụng liên quan đến hình ảnh, Loopsie yêu cầu quyền truy cập vào kho ảnh của người dùng, camera điện thoại và một số quyền khác như thông tin email, truy cập Internet. Các dữ liệu này ngoài việc hỗ trợ tạo ảnh, video còn có thể được sử dụng cho việc quảng cáo, liên hệ với người dùng, phân tích ứng dụng, từ đó tiềm ẩn nguy cơ về dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, ngay sau khi tải về, Loopsie yêu cầu người dùng đăng ký thuê bao tối thiểu theo tuần để sử dụng. Khoản tiền này sẽ được tính sau ba ngày miễn phí. Trong trường hợp không muốn duy trì, người dùng có thể vào mục Cài đặt > Apple ID > Đăng ký và tùy chỉnh với thuê bao Loopsie.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ tại công ty an ninh mạng NSC, chỉnh sửa, tạo hiệu ứng cho ảnh luôn là một nhu cầu không thể thiếu của người dùng với mong muốn có được nhiều tác phẩm độc, lạ theo ý muốn. Với sự hỗ trợ của AI, những ứng dụng này ngày càng có sức hút lớn và nhanh chóng được phổ biến, lan truyền tới nhiều người dùng.
Tuy nhiên, ông lưu ý: "Để xử lý ảnh, hình ảnh sẽ được tải lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy sẽ có nguy cơ về lộ lọt dữ liệu. Người dùng không nên đưa ảnh nhạy cảm, riêng tư vào app".
Bên cạnh đó, khi "giao" nhiều ảnh cho một hệ thống khác, người dùng không còn kiểm soát được hình ảnh của chính mình. "Nếu kho ảnh rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể cho AI học, dùng deepfake để tạo ra ảnh và video giả mạo cho các mục đích khác nhau, thậm chí lừa đảo", ông Sơn khuyến cáo. "Trong mọi tình huống, kể cả với trào lưu mới, người dùng cần thận trọng, không nên vì vài phút vui trên mạng xã hội mà đánh đổi dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình".
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, ra đời từ năm 2018, ứng dụng Loopsie ít được biết tới nhưng gần đây, sau khi nhà phát triển cập nhật tính năng sử dụng AI chuyên về tái tạo hình ảnh thì phần mềm này "gây sốt". Một lý do khác khiến Loopsie phổ biến là tính tiện dụng khi người dùng có thể thao tác ngay trên điện thoại và chỉ mất khoảng 15 - 20 giây để chương trình hoàn thành một tấm ảnh hoạt hình từ nội dung gốc.
Từ những thông tin thu thập được trên ứng dụng, các nhà cung cấp nền tảng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, chủ yếu được sử dụng để nâng cao tính cá nhân hóa cho người dùng trên nền tảng, đưa ra quảng cáo trúng đích hơn.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng thông tin người dùng được bán cho bên thứ ba, dù đây là hành vi phạm pháp. Có trường hợp nhà cung cấp ứng dụng liên kết với bên thứ ba để thực hiện hành vi chia sẻ thông tin nhằm hợp thức hóa. Cũng có thể thông tin được bán thẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm, tài chính...