Toạ đàm nằm trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh các doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động có trách nhiệm với xã hội, do Văn phòng Giới sử dụng lao động- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (BEA/VCCI) chủ trì tổ chức cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) và sự phối hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đã và đang tham gia vào chuỗi cưng ứng của ngành điện tử Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh: "Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Đại dịch COVID-19 tô một bức tranh xám màu lên toàn bộ nền kinh tế Thế giới. Trong nước, thiên tai lũ lụt liên tiếp xảy đến. Mặc dù nhiều nước đang rơi vào suy thoái ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, song Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN cùng với Singapore có tăng trưởng dương. GDP cả nước 9 tháng đầu năm tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây đứt gãy dòng chảy thương mại, làm thiếu hụt nguồn cung, thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương. Kim ngạch nhập khẩu cả nước 9 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,2% so với cùng kỳ đạt con số 202,86 tỷ Đô la Mỹ".
Ngành Điện tử Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp tiên tiến, có đóng góp lớn nhất trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đồng thời luôn dẫn đầu trong suốt 10 năm qua về kim ngạch xuất khẩu. Những năm gần đây, ngành điện tử thường xuyên xuất siêu với giá trị xuất siêu tăng mạnh từ 15 đến trên 20 tỷ Đô la Mỹ mỗi năm. Tổng giá trị xuất khẩu ngành điện tử năm 2019 đạt 87,29 tỷ Đô la Mỹ. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới với nhiều nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, song với sự nỗ lực của các doanh nghiệp ngành điện tử và sự hỗ trợ của Chính phủ và nhiều tổ chức trong nước, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử 8 tháng đầu năm 2020 vẫn tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành hàng máy tính và linh phụ kiện tăng đến 25% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tuyệt đối của ngành điện tử 8 tháng đầu năm 2020 đạt 59,1 tỷ USD.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự chuyển dịch của nhiều nhà sản xuất điện tử vào Việt Nam đã và đang làm nóng lên mối quan tâm của Chính phủ, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp trong ngành điện tử về sự hình thành và phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Các hãng điện tử lớn nhất trên thế giới đã có đầu tư sản xuất lắp ráp tại Việt Nam như: Samsung, LG, Foxconn, Panasonic, Canon, Intel,... Đặc biệt là sự hình thành của nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: EVFTA, CP TPP,... cùng với sự hội nhập sâu rộng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư sang Việt Nam của nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới, đang khiến Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và quốc tế ngày càng quan tâm hơn đến việc hình thành một chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ngành điện tử nội địa, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tạo nhiều cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam.
Tiếp nối chuỗi hoạt động của Liên minh các doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động có trách nhiệm với xã hội, Toạ đàm tăng cường kết nối chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam được tổ chức nhầm hỗ trợ các doanh nghiệp có một sân chơi để chia sẻ và cập nhật thông tin, hoạt động kết nối và làm vững mạnh thêm chuỗi cung ứng trong nước, đảm bảo trụ vững và thật sự linh hoạt trong bối cảnh cuộc sống bình thường mới hâu COVID-19.
Tại buổi toạ đàm, nhiều thông tin được các chuyên gia trong ngành điện tử chia sẻ tới doanh nghiệp. Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam chia sẻ nhận định:
Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà sản xuất điện tử, đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch sản xuất, phân bổ rủi ro, tránh chỉ tập trung vào Trung Quốc. Và theo nhận định của các chuyên gia từ tổ chức Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang là điểm đến và là công trường của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Thế kỷ 21. Đồng thời câu hỏi đặt ra: "Chúng ta cần làm gì để tận dụng cơ hội này?".
Các cuộc hỏi đáp sôi nối và những chia sẻ hết sức thực tế từ đại diện các doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như của đại diện chuyên gia đến từ ILO Việt Nam, của Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã mang lại cho cử toạ nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích làm cơ sở để các doanh nghiệp thực hành kết nối và tham gia vào chuỗi cung ứng thành công.
Liên minh các Doanh nghiệp Điện tử là một sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam(VEIA) được thành lập từ năm 2017 nhằm thúc đẩy các mô hình tốt của doanh nghiệp về việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực lao động. Liên minh được xây dựng với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và chính phủ Nhật Bản.
Liên minh được xây dựng nhằm nhằm tạo ra một môi trường đáng tin cậy cho việc đối thoại giữa các doanh nghiệp; thu thập, đồng thời đại diện cho tiếng nói của ngành Điện tử trong một cuộc đối thoại chính sách rộng hơn với các bên liên quan khác; cùng hành động giải quyết những thách thức mà ngành phải đối mặt.
Mục tiêu cuối cùng của Liên minh là góp phần tạo việc làm ngày càng nhiều và tốt hơn đồng thời cải thiện các mối quan hệ lao động trong ngành công nghiệp điện tử. Điều này sẽ giúp đảm bảo khả năng phát triển bền vững và đóng góp không ngừng của ngành điện tử Việt Nam đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
|