Việc Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong tối đa 3 năm đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm đến đổi mới sáng tạo – động lực tăng trưởng cốt lõi của nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, chính sách này đang đứng trước những câu hỏi lớn về tính thực tiễn và hiệu quả dài hạn khi đặt vào bối cảnh đầu tư công nghệ đầy rủi ro, chu kỳ lợi nhuận kéo dài và áp lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Thực tế, chu kỳ nghiên cứu – phát triển – ứng dụng – thương mại hóa của nhiều công nghệ trọng điểm hiện nay, đặc biệt trong các lĩnh vực như bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI hay công nghệ sinh học, kéo dài từ 5 đến 10 năm, thậm chí hơn. Việc miễn thuế trong 3 năm là chưa đủ sức hấp dẫn để kéo dòng vốn tư nhân vào những lĩnh vực có rủi ro cao nhưng mang lại giá trị lớn cho quốc gia trong trung và dài hạn.
Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những quan điểm thuyết phục: cần kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm với những ngành mũi nhọn như y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học hay AI – những lĩnh vực Việt Nam đang định hướng ưu tiên. Nếu không có một khung thời gian ưu đãi đủ dài, doanh nghiệp sẽ tiếp tục ngại đầu tư vào R&D vì lợi ích ngắn hạn không tương xứng với chi phí và rủi ro dài hạn.
Không chỉ có thời gian ưu đãi cần điều chỉnh, mà phạm vi thu nhập được miễn thuế cũng cần được mở rộng. Những khoản thu từ chuyển nhượng phần vốn góp trong các startup công nghệ, hay thu nhập từ các dự án tự nghiên cứu, nếu bị đánh thuế như hoạt động kinh doanh thông thường, sẽ cản trở dòng vốn mạo hiểm – một mắt xích thiết yếu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Những doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất bền vững hay công nghệ xanh cũng cần được đưa vào danh mục ưu đãi rõ ràng và nhất quán. Đây không chỉ là vấn đề thuế, mà là chiến lược khuyến khích hình thành những trụ cột công nghiệp mới cho Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng và kinh tế số.
Đề xuất cho phép doanh nghiệp trích tối đa 10% thu nhập tính thuế để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là cần thiết, nhưng vẫn còn quá dè dặt nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam đang muốn trở thành quốc gia có năng lực công nghệ mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng nên nâng trần này lên 15% đối với các doanh nghiệp công nghệ cao và startup – những đối tượng cần đòn bẩy tài chính mạnh nhất.
Song song, việc quản lý và sử dụng quỹ phải thực sự chặt chẽ và minh bạch. Quy định hiện hành đang có nguy cơ biến quỹ thành một "chiếc hộp kín", nơi tiền bị trích lập nhưng không được sử dụng hiệu quả, hoặc bị truy thu do không tiêu hết sau 5 năm – một cách tiếp cận hành chính còn quá máy móc so với tính linh hoạt cần thiết trong nghiên cứu khoa học. Phải cho phép chuyển phần quỹ chưa dùng sang các năm sau, nếu doanh nghiệp chứng minh được kế hoạch và mục tiêu cụ thể.
Để thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn dấn thân vào khoa học và công nghệ, ngoài chính sách ưu đãi, còn cần một hành lang pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế cấp vốn thử nghiệm, và nhất là môi trường đầu tư minh bạch, ổn định. Nếu không, những ưu đãi thuế dù hấp dẫn đến đâu cũng không đủ để tạo ra một hệ sinh thái đổi mới thực chất.
Việt Nam muốn vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình thì không thể thiếu một khu vực doanh nghiệp mạnh về công nghệ và sáng tạo. Ưu đãi thuế là đòn bẩy đầu tiên – nhưng đòn bẩy đó phải đủ dài, đủ lớn và đi kèm với cơ chế sử dụng linh hoạt, minh bạch. Quốc hội có cơ hội tạo nên sự thay đổi mang tính nền tảng khi thảo luận và thông qua dự luật sửa đổi lần này – thay vì chỉ làm một bước đi mang tính khích lệ hình thức.