Tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 8/8 ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề cập đến tính khả thi của đề xuất cắt Internet với người vi phạm trên mạng, trong dự thảo nghị định của Bộ.
Bà đánh giá đây là chỉ là giải pháp bổ sung, chưa thực sự giải quyết được triệt để vấn đề. "Việc dừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet chưa phải là biện pháp xử lý triệt để, bởi sẽ có tình huống họ cung cấp qua nhiều tài khoản khác nhau, qua mạng Wi-Fi hoặc các thuê bao khác nhau", bà cho hay.
Tuy nhiên theo đại diện Cục, cắt Internet cũng là "biện pháp mạnh và cần thiết trong một số tình huống" đối với các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin vi phạm trên mạng, đặc biệt dưới hình thức livestream.
Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cũng lý giải về đề xuất quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo...) bằng số điện thoại. Theo đó, việc Bộ TT&TT đưa yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại có nhiều lý do.
Thứ nhất, tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang gia tăng. Vì vậy, quy định này được đề xuất từ nhu cầu về quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người dân muốn quản lý chặt chẽ hơn các tài khoản mạng xã hội để hạn chế lừa đảo trực tuyến.
Thứ hai, mạng xã hội rất rộng, việc xác thực bằng số điện thoại cá nhân sẽ góp phần để người dùng nâng cao trách nhiệm và ý thức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
Thứ ba, lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT khẳng định, việc đưa ra quy định này hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Cơ sở pháp lý quan trọng của quy định này là Luật An ninh mạng.
Thứ tư, hiện nay người dùng mạng xã hội có xu hướng chuyển từ dùng trên máy tính sang sử dụng trên mobile. Vì vậy, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động sẽ tiện dụng hơn cho người dùng.
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, thời gian qua đã có nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng tính năng livestream trên mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, kêu gọi biểu tình, xúc phạm cá nhân... Một số thông báo trước khi thực hiện livestream, nhưng cũng có nhiều trường hợp livestream bất ngờ với nội dung "rất khó kiểm soát".
"Do đó, để tăng cường hiệu quả xử lý, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung biện pháp để xử lý nhanh", bà Huyền nói. Cơ quan soạn thảo cũng đang lấy ý kiến của các bên liên quan, trên cơ sở thống nhất các quy định. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với doanh nghiệp Internet xây dựng quy trình triển khai thực tế.
Theo dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Bộ TT&TT là đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet thực hiện từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng theo yêu cầu của Bộ.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ web (hosting), dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và các doanh nghiệp khác có trách nhiệm: Thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ TT&TT; từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng theo yêu cầu của Bộ TT&TT; nhận lệnh điều phối, báo cáo kết quả qua hệ thống kỹ thuật và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo yêu cầu của Bộ TT&TT.