Trong một thông báo mới đây, Bộ Công Thương Ấn Độ cho biết, việc xuất khẩu lúa mì, bao gồm cả lúa mì có hàm lượng protein cao và các loại bánh mì mềm thông thường khác, sẽ chính thức bị cấm, bắt đầu từ ngày 13/5.
Theo ông Subrahmanyam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ, quyết định này của Chính phủ là nhằm kiểm soát lạm phát, cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, ông Subrahmanyam cho rằng, đây không phải là quyết định vĩnh viễn, Chính phủ Ấn Độ sẽ xem xét bãi bỏ trong thời điểm thích hợp. Việc xuất khẩu lúa mì vẫn sẽ được phép áp dụng tới các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua các thỏa thuận giữa các Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực. Phía Ấn Độ kỳ vọng, quyết định này sẽ khắc phục tình trạng giá lúa mì trong nước tăng mạnh.
Theo kênh CNBC, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến giá lúa mì tăng vọt vì Nga và Ukraine là hai trong số các nước xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, cả hai quốc gia này chiếm 29% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.
Do đó, Ấn Độ không phải là trường hợp duy nhất ban hành lệnh cấm xuất khẩu. Ngoài Nga và Ukraine, Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo và Serbia cũng đã cấm xuất khẩu lúa mì. Các nước không chỉ cấm xuất khẩu lúa mì. Nhiều quốc gia đã cấm xuất khẩu các loại thực phẩm khác do lạm phát toàn cầu tăng cao sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trước Ấn Độ, 2 tháng sau khi Nga đổ quân vào Ukraine, Indonesia tuyên bố cấm xuất khẩu dầu ăn vì tình trạng thiếu hụt cục bộ và giá tăng cao. Nước này chiếm hơn 1/3 xuất khẩu dầu thực vật toàn cầu. Ấn Độ và Trung Quốc - 2 quốc gia đông dân nhất - là một trong những khách hàng lớn nhất của Indonesia.
Giới quan sát lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều quốc gia khác đưa ra những động thái tương tự nếu xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, tạo ra vòng xoáy đẩy giá lên cao.
"Chúng ta có thể chứng kiến một vài sản phẩm khác bị đưa vào danh sách cấm xuất khẩu. Điều này có thể khiến mối lo ngại phình to", ông Carlos Mera - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp tại Robobank - cảnh báo.
Các lệnh cấm xuất khẩu trên toàn cầu có thể khiến cuộc khủng hoảng an ninh lương thực càng thêm trầm trọng. Đại dịch và xung đột Nga - Ukraine vốn đã tạo ra cú sốc lớn cho nguồn cung lương thực toàn cầu.
Đại dịch đã khiến số người nghèo đói tăng khoảng 18% lên 720-811 triệu người. Đầu tháng trước, Liên Hợp Quốc cảnh báo chỉ riêng tác động của chiến tranh đối với thị trường lương thực toàn cầu có thể khiến thêm 7,6-13,1 triệu người rơi vào cảnh đói.
Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột kéo dài, bao gồm Yemen, Syria, Nam Sudan và Ethiopia, đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Giới quan sát lo ngại tình hình có thể nhanh chóng trở nên trầm trọng hơn.