Nhà sản xuất chip của Đức cung cấp các bộ vi điều khiển và các mạch tích hợp quản lý năng lượng cho Huawei. Huawei là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới.
Quyết định của Infineon Technologies về việc dừng cung cấp chip đến sau khi Bộ Thương mại Mỹ tuần trước đưa Huawei vào danh sách Entity List (Danh sách thực thể), buộc các công ty Mỹ phải có giấy phép của chính phủ nếu muốn xuất xưởng sản phẩm cho các công ty có tên trong danh sách này.
Cho dù doanh số của Infineon với Huawei chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số hàng năm của họ, khoảng 100 triệu USD mỗi năm hoặc ít hơn nhưng quyết định của công ty có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho công ty Trung Quốc.
Động thái này có thể tác động đến các nhà cung cấp quan trọng khác của Huawei tại châu Âu và châu Á, lôi kéo họ đưa ra các quyết định tương tự. Hiện tại hàng loạt nhà sản xuất chip của Mỹ đã dừng xuất xưởng sản phẩm cho Huawei, bao gồm Qualcomm, Qorvo, Micron Technology và Western Digital. Trước đó, để chuẩn bị cho đòn trừng phạt từ Washington, Huawei đã dự trữ sẵn các linh kiện đủ để sử dụng trong vòng 6 tháng.
Theo nguồn tin từ Nikkei, hãng ST Microelectronics, một nhà sản xuất chip quan trọng khác của châu Âu, đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp trong tuần này để thảo luận về khả năng có tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei nữa hay không. Hiện tại ST Microelectronics vẫn duy trì việc cung cấp sản phẩm.
Hãng gia công chip quan trọng của Huawei tại châu Á, TSMC vẫn đang tiếp tục xuất xưởng sản phẩm cho Huawei, nhưng họ đang tiến hành thẩm định để đánh giá các tác động tiềm năng. Các nhà cung cấp tại châu Á khác bao gồm Toshiba Memory của Nhật Bản, nhà cung cấp bộ nhớ flash NAND lớn thứ hai thế giới, và Japan Display, nhà cung cấp màn hình, đều cho biết đang đánh giá các mối liên hệ giữa hoạt động kinh doanh của họ với động thái đưa Huawei vào danh sách đen của chính phủ Mỹ.