Nhằm tạo diễn đàn để các Cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia cùng trao đổi, chia sẻ, góp ý cho Dự thảo Bộ Luật Lao động, ngày 14 tháng 3 năm 2019 tại Hà Nội, Hội thảo Góp ý cho Dự thảo Bộ Luật Lao động từ cộng đồng doanh nghiệp đã được tổ chức, thu hút đông đảo sự quan tâm của doanh nghiệp, giới truyền thông và nhiều cơ quan, tổ chức hữu quan.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đồng phối hợp tổ chức.
Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu và hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, ổn định mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong hệ thống pháp luật lao động Việt Nam hiện nay, sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu sắc, tác động đến toàn bộ xã hội, đến mọi doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và người lao động.
Sau nhiều năm áp dụng thực thi, Bộ luật Lao động đã cơ bản đi vào thực tiễn và là hành lang pháp lý quan trọng cho các chủ thể thiết lập và tiến hành quan hệ lao động như: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động hiện hành đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát không chỉ từ việc thực hiện các văn bản hướng dẫn chi tiết Bộ Luật Lao động mà còn xuất phát từ việc áp dụng các điều luật trong Bộ Luật Lao động. Cụ thể trên một số nội dung về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nươc ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công, v.v.
Trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Bộ luật Lao động cũng cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm tương thích với các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), pháp luật lao động của các nước trong ASEAN và thông lệ quốc tế về lao động, quan hệ lao động.
Hội thảo đã được nghe ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, giới thiệu và nhấn mạnh năm quan điểm sửa đổi Bộ luật Lao động lần này. Đó là:
- Thứ nhất, Thể chế hóa, quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; kiến tạo khung pháp luật về lao động nhằm phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng lực cạnh tranh lao động quốc gia.
- Thứ hai, Thiết lập các quy định pháp luật để bảo vệ người lao động, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân trong lĩnh vực lao động; bảo đảm quyền của người lao động tại nơi làm việc theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.
- Thứ ba, Kiến tạo khung pháp luật về lao động hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động để doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Thứ tư, Xây dựng các nền tảng pháp lý nhằm cải cách bộ máy quản lý nhà nước về lao động theo hướng xây dựng và phát triển thị trường lao động, giảm thiểu các tranh chấp lao động và hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.
- Thứ năm, Bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã giới thiệu những điểm mấu chốt trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, trong đó, ông đã giới thiệu 3 nhóm nội dung và 11 chủ đề lớn của Dự thảo luật. 3 nhóm nội dung được đề cập bao gồm:
- Nhóm nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung những bất cập từ thực tiễn áp dụng của Bộ luật Lao động và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp về tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động
- Nhóm nội dung liên quan đến việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính đồng bộ với các Luật khác.
- Nhóm nội dung liên quan đến nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông cũng lưu ý một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo dự án Luật như: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; Chấm dứt HĐLĐ với người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu; Về mức lương tối thiểu; Về tăng thời giờ làm thêm; Về tuổi nghỉ hưu; Về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Hội thảo đã trở nên sôi nổi với sự tham gia ý kiến của các tổ chức hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp như: Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Phòng Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), cùng với sự chủ trì của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban tổ chức ghi nhận, tập hợp với đầu mối là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lập thành ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Ban soạn thảo, nhằm hoàn hiện dự thảo Bộ luật Lao động trình Chính phủ vào cuối tháng 5 và trình Quốc hội vào tháng 10/2019.