Trong đơn khởi kiện, Công ty Asanzo đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến vụ việc giữa hai bên những ngày qua, kể từ thời điểm báo Tuổi Trẻ đăng bài liên quan đến Asanzo.
Asanzo chọn nơi khởi kiện là TAND quận 11, quận này cũng là nơi đặt trụ sở của công ty, thay vì khởi kiện đến TAND quận Phú Nhuận, nơi báo Tuổi Trẻ đặt trụ sở.
Ông Tam cho rằng, các "tội danh" mà báo Tuổi trẻ quy kết cho công ty như "thay đổi xuất xứ hàng hoá", "lừa người tiêu dùng", "qua mặt cơ quan quản lý"... là hoàn toàn sai sự thật.
"Những thông tin báo Tuổi trẻ đăng tải nói trên là sai sự thật, là xuyên tạc. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Báo chí về việc thông tin sai sự thật và kết tội Asanzo khi chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của toà án.
Chúng tôi khẳng định rằng tội danh "giả xuất xứ hàng hoá" mà báo Tuổi trẻ đã quy kết và cách mô tả quy trình sản xuất tivi cắt xén nhiều khâu một cách có chủ ý khiến người đọc hiểu sai và gây tổn thất nặng nề cho công ty... vì những lẽ đó chúng tôi buộc phải khởi kiện báo Tuổi trẻ", ông Tam nói.
Theo giấy xác nhận của Toà, Asanzo yêu cầu “giải quyết tranh chấp bồi thường ngoài hợp đồng”.
Nguyên nhân vụ việc kể từ ngày 21/6, báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài điều tra, khẳng định Asanzo có nhập nhằng về xuất xứ, mặc dù ghi xuất xứ Việt Nam nhưng nguồn gốc linh kiện từ Trung Quốc. Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ, công nhân Asanzo có tình trạng gỡ nhãn mác linh kiện Trung Quốc để ráp vào sản phẩm ghi xuất xứ Việt Nam. Theo điều tra này, một số mặt hàng nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc nhưng ghi xuất xứ tại Việt Nam.
Sau khi loạt bài này khởi đăng, một số siêu thị điện máy hạn chế bán hàng Asanzo. Công ty cho biết thiệt hại 95% doanh thu, tương đương mỗi tháng mất vài trăm tỷ đồng, tổng cộng con số thiệt hại được Asanzo ước tính gần 1.000 tỷ đồng.
Trước đó trên trang cá nhân, Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng nếu dựa trên pháp luật hiện nay thì Asanzo không vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là ý kiến bà đã phát biểu trong phiên họp thường kỳ (6 tháng/lần) của Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 18/7/2019 tại trụ sở Hà Nội.
"Theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018, Asanzo đã lắp ráp từ nhiều linh kiện và cũng làm chủ thương hiệu, tự thiết kế ý tưởng thay đổi sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng thì ghi nhãn made in Viet Nam là đúng với nghị định này.
"Nhưng báo chí lại kết luận khác và kết quả là, dù cơ quan chức năng chưa chính thức kết luận thì thương hiệu này cũng sập đến nơi, hàng hóa bị trả về, 2.000 gia đình mất việc và các thương hiệu Thái Lan, Trung Quốc đang mở nhà máy mới, mở rộng thị trường", bà Vũ Kim Hạnh viết.
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cấp chứng nhận cho Asanzo ngành hàng điện tử gia dụng, cụ thể là tivi và một thiết bị nhỏ khác nên theo quy chế sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp ký cam kết với Hội, doanh nghiệp chỉ được dùng logo trên sản phẩm được chứng nhận", Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trình bày.
Thế nhưng cũng theo bà Hạnh, ở tất cả cửa hàng bán tivi, người kinh doanh chuyên nghiệp mặt hàng này đều cho biết họ chưa bao giờ thấy có chiếc tivi nào của Asanzo có dán logo hàng Việt Nam chất lượng cao lưu hành trên thị trường. Rõ ràng là mặc dù hợp pháp nhưng Asanzon còn không cần sử dụng danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao cho sản phẩm TV của họ.
Kết luận phần báo cáo với ban chấp hành VCCI, bà Vũ Kim Hạnh đồng tình với lập luận là nếu dựa trên pháp luật hiện nay thì Asanzo không vi phạm về xuất xứ hàng hóa.