Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngày 8/3, Việt Nam cùng 10 đối tác đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây được xem là lựa chọn không thể tốt hơn cho khối các nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ quyết định rút khỏi hiệp định này.
Cơ hội nhiều song thách thức cũng không ít là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc khi đề cập đến viễn cảnh của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khi mà CPTPP chính thức có hiệu lực. “Không có Hoa Kỳ, nhiều vấn đề đã thay đổi so với TPP mà chúng ta đã đàm phán trước đây. Sự thay đổi này tất nhiên không chỉ ở những điều kiện quy định có hiệu lực của hiệp định hay ở một nhóm 20 các cam kết tạm hoãn thực thi” ông Lộc cho biết.
Ảnh 1: Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc hội thảo về Hiệp định CPTPP.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như hiệp định xúc tiến bảo hộ thúc đẩy đầu tư với nhiều nền kinh tế trên thế giới, nhưng Hiệp định CPTPP vẫn mang lại nhiều cơ hội về các thỏa thuận đầu tư, thương mại với nước ngoài trong đó có cam kết mở cửa thị trường. Do vậy, đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu. “Tác động của hiệp định về mở cửa thị trường là lớn nhưng tác động lớn hơn, toàn diện hơn và quan trọng hơn chính là áp lực, cơ hội và những chuẩn mực thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Với việc đi vào thực thi của Hiệp định CPTPP, sẽ có tác động cộng hưởng giữa yêu cầu của hội nhập và nỗ lực cải cách thể chế trong nước. Điều đó sẽ tạo điều kiện mở rộng đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới” ông Lộc hy vọng.
Chủ tịch VCCI lưu ý cộng đồng doanh nghiệp cần tranh thủ tiếp cận những thông tin về Hiệp định CPTPP như thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa,… nhằm tranh thủ thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan. Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, đối với trường hợp của Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP của chúng ta tăng 1,1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn nhưng lợi ích từ cải cách thể chế (mà chỉ xét về các hàng rào phi thuế) mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%.
Ảnh 2: Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội thực sự bày tỏ sự quan tâm tới CPTPP trong môi trường kinh tế quốc tế.
Một điều rất quan trọng khác là, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ. Sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể tiếp cận với thị trường quốc tế tốt hơn hơn.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết Hiệp định CPTPP vẫn là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao. Hiệp định này không chỉ tạo ra nền tảng quan trọng cho hoạt động giao thương và đầu tư mà còn là sự khích lệ lớn với tiến trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều trắc trở hiện nay. Việc chủ động tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định CPTPP thể hiện chủ trương xuyên suốt mang tính nhất quán của Chính phủ Việt Nam đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ảnh 3: Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế nhấn mạnh về những cơ hội hay thách thức của CPTPP đang đến rất gần với các doanh nghiệp.
Việc phổ biến tuyên truyền các nội dung cam kết của CPTPP, cùng với những tác động và thay đổi của CPTPP trong bối cảnh mới là rất cần thiết để các doanh nghiệp hoạch định tốt hơn mục tiêu kinh doanh của mình ở và với các thị trường. Các cơ quan Nhà nước liên quan phải có quyết tâm tổ chức thực thi thuận lợi và thông suốt, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội thị trường; và phải minh bạch, tham vấn cùng doanh nghiệp trong quá trình rà soát pháp luật, nội luật hóa và thực thi các cam kết CPTPP một cách thích hợp.