FBC HANOI 2018 được tổ chức tại Cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia (số 1 - Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là hội chợ chuyên ngành dành cho các doanh nghiệp chế tạo chuyên cung cấp linh phụ kiện như: sản phẩm kim loại, sản phẩm ô tô, đường sắt, tàu thuyền, khai khoáng, kim loại màu, dụng cụ thường, dụng cụ thiết bị điện, dụng cụ truyền thông, dụng cụ máy móc chính xác...
Theo Ban tổ chức, đây là lần thứ 2 hội chợ được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đổi mới trang thiết bị, dây chuyền kỹ thuật sản xuất chính có mức tự động hóa cao thuộc thế hệ công nghiệp 4.0 nhằm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng...
Hội chợ lần này có quy mô hơn 200 gian hàng của các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp tại Hà Nội tham gia lên 40 gian hàng, tăng 4 lần so với năm 2017.
Hội chợ đã có trên 3.000 khách tham quan và trên 4.000 lượt giao dịch trực tiếp tại gian hàng, trong đó trên 900 lượt giao dịch thành công. Đây được xem là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo trên địa bàn TP. Hà Nội có cơ hội giao thương, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
FBC HaNoi 2018 bên cạnh sự tham gia đông đảo của của các doanh nghiệp Việt Nam, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, khối ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc)... trong đó: 57 gian hàng quốc tế, 83 gian hàng trong nước; 40 gian hàng hỗ trợ kỹ thuật của Công ty CP NC NetWork Việt Nam (20 gian hàng hỗ trợ giao thương, kết nối đầu tư các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, 20 gian hàng hỗ trợ kỹ thuật tổ chức Hội thảo).
Bên cạnh đó, Hội chợ đã tổ chức 03 Hội thảo do các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước giới thiệu, trao đổi về trang thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu tham gia mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội chợ được tổ chức theo phương thức kết nối từ “online” đến “offline”. Các doanh nghiệp được hỗ trợ thực hiện kết nối kinh doanh theo phương thức “online” như hướng dẫn, đào tạo doanh nghiệp lập kế hoạch kết nối kinh doanh giới thiệu các sản phẩm, linh kiện, công nghệ trên Webside của hội chợ; kết nối mạng lưới các nhà công nghiệp chế tạo quốc tế với doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua gian hàng online, các đơn vị có nhu cầu vào tìm hiểu và đặt lịch làm việc, kết nối kinh doanh tại hội chợ và doanh nghiệp.
Để kết nối kinh doanh theo phương thức “offline,” hội chợ sẽ tổ chức những buổi giao dịch thương mại (matching), hoàn thiện các biên bản ghi nhớ, hợp đồng cung ứng linh kiện, sản phẩm, trang thiết bị công nghệ hiệu suất cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Khu bán hàng: các doanh nghiệp sản xuất chế tạo trong và ngoài nước (doanh nghiệp Nhật đã có nhà máy tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật tại các nước Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, doanh nghiệp các nước và doanh nghiệp Việt Nam) trưng bày sản phẩm thể hiện khả năng kỹ thuật và năng lực đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng, thời gian giao hàng,... của đối tác khi bán hàng.