Hội thảo Dự thảo Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam được diễn ra trong bối cảnh đang có các ý kiến khác nhau về việc xác định thế nào là hàng “Made in Vietnam”. Trước đó trong năm 2018, thị trường hàng hóa Việt Nam xôn xao tin tức vụ “Khải Silk” khi doanh nghiệp này cắt mác “Made in China” rồi thay bằng “Made in Vietnam”; gần đây lại có thêm vụ công ty Asanzo nhập khẩu linh kiện nước ngoài về lắp ráp rồi gắn nhãn mác hàng Việt Nam trên các sản phẩm của họ làm cho người tiêu dùng hoang mang mất lòng tin vào các sản phẩm sản xuất trong nước.
Chính bởi lẽ đó tại buổi hội thảo sáng nay, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Thông tư đã được Bộ tổ chức nghiên cứu năm 2018 và hoàn thành vào từ đầu tháng 8.2019. Theo quy định, Bộ Công thương đã đăng tải công khai dự thảo và sẽ tổ chức 2 hội thảo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiện rộng rãi của mọi người dân, doanh nghiệp, bộ ngành liên quan để hoàn thiện, sau đó báo cáo Thủ tướng, rồi tiếp tục rà soát một lần nữa trước khi ban hành, đưa vào cuộc sống.
"Về nguyên tắc, thông tư này sẽ không làm phát sinh chi phí cho DN vì đây chỉ là thông tư giúp DN ghi nhãn chính xác hơn cho sản phẩm của mình. Thông tư không chỉ giúp DN sẽ tránh được nguy cơ bị cáo buộc là gian lận xuất xứ mà còn góp phần loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm, đội lốt hàng Việt Nam" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Sau phát biểu của Thứ trưởng, Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn giải về nội dung của Thông tư mới cũng như tính cấp thiết của thông tư hàng “made in Viet Nam”, hiện nay nhiều sản phẩm, hàng hoá Việt Nam đã mang tính quốc gia, chất lượng tăng lên, có thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nên dẫn tới tình trạng hàng hoá muốn lấy nhãn mác hàng Việt Nam.
Ông Hải cũng khẳng định, những nguyên tắc quan trọng của thông tư không tạo ra bất kỳ thủ tục hành chính nào cho DN. Dự thảo sẽ là cơ sở để tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho những DN dày công nghiên cứu, sáng tạo, gây dựng thương hiệu với những DN chỉ nhập khẩu hàng hóa, linh kiện nước ngoài về gia công, lắp ráp rồi gắn nhãn.
Theo Bộ Công Thương, dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư 05/2018/TT-BCT Hà Nội, ngày 03-04-2018 của Bộ quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa và kê khai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên Dự thảo Thông tư không “sao chép” mà có tính độc lập riêng và tính linh hoạt riêng. Đây có thể coi là văn bản quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa nhưng lại không phải dành cho tất cả các loại hàng hóa, bởi nhẽ hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tuân theo các quy tắc, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thông tư chỉ áp dụng cho hàng hóa sản xuất trong nước và lưu thông trên thị trường nội địa.
Thứ trưởng Khánh cho biết thêm: “Chúng tôi không chép lại Nghị định 31 hay nghị định khác. Chúng tôi đang viết lên một thứ tương tự như vậy và chúng tôi có quyền thay đổi một số điểm để phù hợp”.