Tờ Financial Times dẫn nguồn hai nhân vật thân thuộc với chương trình trên cho hay Bộ Nội vụ Mỹ sẽ cấm hoạt động gần 1.000 drone sau khi kết luận có nguy cơ cao chúng bị Chính phủ Trung Quốc sử dụng để do thám.
Mặc dù báo cáo cho biết quyết định không phải là cuối cùng nhưng Bộ trưởng Nội vụ Mỹ David Bernhardt nói drone bị hạn chế trong các tình huống khẩn cấp. Ông này hiện chưa ký ban hành chính sách nhưng các nhân vật thạo tin cho biết về dự định ngừng hoạt động toàn bộ phi đội trên, ngoại trừ sử dụng trong tình huống khẩn cấp như chữa cháy rừng và huấn luyện.
Một người phát ngôn của Bộ Nội vụ Mỹ cho biết quá trình xem xét đang được tiến hành khẩn trương và những thiết bị bay sản xuất tại Trung Quốc hoặc chứa linh kiện của Trung Quốc sẽ bị cấm bay.
Trước đó, quân đội Mỹ đã ngừng sử dụng drone của DJI vào năm 2017 cho nhiệm vụ do thám, trong khi Bộ An ninh nội địa đã tranh cãi với cáo buộc dữ liệu thu thập có thể gửi đến Trung Quốc. Dẫu vậy, không có bằng chứng công khai về việc Trung Quốc có được dữ liệu từ drone hay không.
Công ty DJI trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), sản xuất 121 drone cho phi đội dân sự của Bộ Nội vụ Mỹ, có lẽ là tên tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm. DJI đã phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài, với việc Chính quyền Tổng thống Donald Trump cảnh báo drone của công ty này có thể gửi dữ liệu giám sát nhạy cảm cho Trung Quốc.
Đến cuối năm 2019, Bộ Nội vụ Mỹ đã tuyên bố tạm thời đình chỉ bay tất cả các máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất. Ngày 30/10/2019 Bộ Nội vụ đã công bố, ngoại trừ một số ít trường hợp khẩn cấp, 810 máy bay không người lái “Made in China” trong đội bay dịch vụ của họ phải ngừng bay. Ngoài ra, các máy bay không người lái do nước khác sản xuất có sử dụng các linh kiện, phụ kiện của Trung Quốc cũng nằm trong diện bị hạn chế. Động thái của Bộ Nội vụ là một phần trong kế hoạch đánh giá về đội máy bay không người lái của bộ này.
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành lo ngại rằng việc chương trình cấm drone có thể làm gián đoạn những lợi ích từ các hoạt động của drone. Ví dụ, drone được các chương trình thiên nhiên hoang dã sử dụng để đếm động vật và theo dõi các vết thương của chúng, trong khi các chương trình khảo sát địa chất đã sử dụng drone để theo dõi nông nghiệp, đề phòng động đất và ứng phó với lũ lụt. Trong khi đó, drone do Mỹ sản xuất phải chờ nhiều năm mới có thể đi vào hoạt động, đó là chưa kể chi phí đắt hơn nhiều.