Trước diễn biến Huawei bị Google và nhiều công ty Mỹ như Qualcomm, Intel từ chối hợp tác kinh doanh do sắc lệnh mới của tổng thống Trump, cư dân mạng Trung Quốc đã cùng nhau kêu gọi tẩy chay các công ty Mỹ tại thị trường này. Đối tượng bị dân mạng Trung Quốc tẩy chay mạnh mẽ nhất là Apple, công ty đang đứng thứ 5 tại thị trường Trung Quốc theo số liệu của Canalys.
Trước sức ép không ngừng từ Washington dồn lên công ty Huawei, cư dân mạng Trung Quốc kêu gọi người tiêu dùng hãy quay về với hàng nội.
Một người viết: "Các tính năng trong thiết bị Huawei cũng tương đương với điện thoại iPhone của Apple, hoặc thậm chí còn tốt hơn. Chúng ta đã có một lựa chọn smartphone tốt khác thay thế, vậy tại sao chúng ta vẫn đang dùng Apple?".
Các tài khoản dùng ngôn ngữ Trung Quốc trên mạng xã hội Twitter cũng đã có phản ứng tương tự như các tài khoản Weibo về sự việc. "Về cuộc thương chiến do Mỹ khởi xướng, Trung Quốc từ lâu đã bày tỏ quan điểm: Trung Quốc không muốn đối đầu, nhưng không sợ nếu phải làm như vậy", một tài khoản viết.
Mặc dù Apple đã cố gắng thoát khỏi những ảnh hưởng và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang nhưng hãng không thể thoát được nguy cơ bị chính người tiêu dùng tại thị trường tỷ dân tẩy chay. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn tới việc Apple bị tẩy chay không liên quan đến bất cứ vụ bê bối nào mà chỉ đơn thuần do chính phủ Mỹ đã có động thái trước đối với Huawei.
Không chỉ dừng lại ở Apple, người dân Trung Quốc còn kêu gọi tẩy chay những hàng công nghệ khác. Thậm chí, một hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy tiểu thương tại Trung Quốc để băng rôn với nội dung: "Từ giờ, cửa hàng chúng tôi sẽ tăng 25% phí đối với khách hàng Mỹ. Nếu các bạn không hiểu tại sao thì làm ơn về hỏi Đại sứ quán Mỹ".
Doanh số bán iPhone của Apple tại Trung Quốc đã giảm 20% trong Q4/2018. Trong khi đó cùng kỳ, doanh số bán smartphone của Huawei đã tăng gần 25%.
Chia sẻ trong một lá thư gửi tới giới đầu tư, CEO Tim Cook nhấn mạnh, Apple đã không tính toán đến tốc độ giảm tốc nền kinh tế của Trung Quốc do chiến tranh thương mại với Mỹ. Ngoài ra người dân nước này cũng không còn mấy mặn mà với iPhone vì sự nhàm chán trong thiết kế và mức giá cao ngất ngưởng, đủ để họ mua được vài ba chiếc điện thoại Android khác.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc khác cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Huawei và khẳng định, họ cảm thấy tội lỗi vì chỉ theo dõi diễn biến chiến tranh thương mại mà chẳng làm gì cả. Nhưng những người này cũng bày tỏ ý định sẽ sớm chuyển từ iPhone sang dùng điện thoại nội địa.
Một số người dùng Weibo thậm chí còn cực đoan hơn khi kêu gọi mọi người từ chối sử dụng các công nghệ của Mỹ. Người này nói: "Trump không cho phép các công ty hợp tác với Huawei và chúng ta hãy nói không với hàng của Apple. Chúng ta cũng không nên mua bất kỳ chiếc điện thoại nào có sử dụng chip Qualcomm".
Apple và các đối tác trong chuỗi cung ứng đã bắt đầu chuyển nhiều dây chuyền sản xuất iPhone ra bên ngoài Trung Quốc nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại.
Doanh số suy giảm cũng đồng nghĩa với việc tiền thuế mà Apple đóng cho nước Mỹ sẽ suy giảm theo. Đây là điều mà cả Apple lẫn chính phủ Mỹ đều không hề mong muốn. Ngoài ra, lệnh cấm còn khiến các công ty Mỹ tại thung lũng Silicon mất tới hàng chục tỷ đô vì mất đi một vị khách sộp từ Trung Quốc.
Về phần mình, tổng thống Trump vẫn rất kiên định với các điều khoản đưa ra. Viết trên Twitter, Trump khẳng định: "Khi đến thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ thỏa thuận với Trung Quốc. Sự tôn trọng và tình bạn của tôi với chủ tịch Tập là vô hạn. Nhưng như tôi đã nói với ông ấy từ trước, đây phải là một thỏa thuận tốt nhất với nước Mỹ hoặc không có nghĩa lý gì cả".
Trong bối cảnh Huawei bị Google và nhiều công ty Mỹ như Qualcomm, Intel, Broadcomm dừng hợp tác, chắc chắn sẽ còn rất nhiều công ty Mỹ khác cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu đang kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.