Theo báo cáo, Nhật Bản cố gắng hết sức để đạt được sự cân bằng trong việc phụ thuộc kinh tế cao vào Trung Quốc và mối lo ngại về an ninh quốc gia. Đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm như máy bay không người lái thương mại và camera giám sát.
Hiện tại, công nghệ thông tin (IT), chuỗi cung ứng, an ninh mạng và sở hữu trí tuệ là những mối quan tâm chính của chính phủ Nhật Bản.
Do drone kết nối với mạng bên ngoài vì đang bay trên không, thông tin chuyến bay và bất kỳ dữ liệu nào chúng thu thập được đều có thể bị tấn công nếu không có biện pháp phòng vệ. Tokyo đang tìm cách ngăn chặn thế lực bên ngoài chiếm quyền điểm khiển drone của chính phủ hoặc trích xuất dữ liệu từ chúng.
Cụ thể, Nhật Bản muốn củng cố an ninh mạng trên drone trong 3 hoạt động: hỗ trợ phòng thủ quốc gia hoặc điều tra tội phạm; tuần tra trên bộ hoặc trên biển; giám sát hạ tầng quan trọng và thực hiện sứ mệnh tìm kiếm, cứu nạn.
Những drone này mang thông tin đặc biệt nhạy cảm, gây nguy hiểm cho trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Thông tin từ drone tuần tra hay phòng chống tội phạm cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động quốc phòng hoặc cảnh sát. Dữ liệu rò rỉ về cầu cảng, nhà máy điện, cơ sở hạ tầng khác… giúp cho các cuộc tấn công khủng bố. Một drone không bảo mật có khả năng dừng hoạt động trong nhiệm vụ giải cứu sống còn hay tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, với tư cách là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng phải đưa ra lựa chọn khi mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn và rất quan trọng đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng rất lo ngại công nghệ thông tin tiên tiến có thể bị rò rỉ cho Trung Quốc, và những điều đó có thể bị phía Trung Quốc chuyển sang sử dụng cho quân đội.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có hàng trăm máy bay không người lái, một số do các công ty Trung Quốc sản xuất. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có khoảng 30 chiếc, hầu hết đều được sản xuất tại Trung Quốc. Cả hai cơ quan này đều tuyên bố rằng, họ không sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc cho các vấn đề liên quan đến an toàn.
Theo báo cáo, vẫn chưa rõ có cần phải thay thế tất cả các máy bay không người lái hay không, nhưng theo chính sách sửa đổi, những máy bay không người lái mới được sử dụng cho các nhiệm vụ nhạy cảm như điều tra tội phạm, cơ sở hạ tầng và cứu hộ khẩn cấp cần phải đảm bảo rằng, dữ liệu sẽ không bị rò rỉ và phải trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt hơn.
Các chính sách này sẽ có hiệu lực vào tháng 4/2021. Mặc dù không có quốc gia nào được nêu tên cụ thể, nhưng các nguồn tin cấp cao từ chính phủ Nhật Bản và đảng cầm quyền nói rằng, những chính sách này được thiết lập là nhằm vào Trung Quốc.
Những chính sách này sẽ bao gồm các quy định đầu tư mới dành cho người nước ngoài được ban hành vào năm ngoái và các thành viên của đảng cầm quyền cũng đang chuẩn bị một đề xuất pháp lý toàn diện sẽ được tiết lộ trong năm nay để thúc đẩy an ninh kinh tế.
Các UAV hiện đang sử dụng sẽ được kiểm tra về lỗ hổng an ninh và thay thế bằng các UAV được bảo vệ càng sớm càng tốt. Các công ty có hợp đồng với chính phủ sẽ được đề nghị không kết nối UAV với internet khi bay, bên cạnh các biện pháp an ninh khác.
Trong lĩnh vực UAV, các nhà sản xuất Trung Quốc kiểm soát khoảng 70-80% thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, các sản phẩm dù giá dễ mua nhưng bị xem là thiếu an ninh. Chính phủ Mỹ cũng đang loại bỏ các UAV Trung Quốc trong các hoạt động chính thức.
Theo các báo cáo, chính sách mới có khả năng thúc đẩy chính phủ Nhật Bản mua máy bay không người lái từ Nhật Bản, điều này có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất máy bay không người lái nội địa Nhật Bản.