Các chuyên gia hàng đầu trong ngành điện tử Việt Nam đã được mời đến buổi tọa đàm gồm có: Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam; Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Hùng Dũng; PGS. TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Hiện nay, Việt Nam đang có tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp điện tử. Cơ hội có được do ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan rộng khắp thế giới; vị trí địa lý, kinh tế thuận lợi của Việt Nam; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tạo ảnh hưởng đến doanh nghiệp điện tử nước ngoài có xu hướng rút khỏi thị trường Trung Quốc để chuyển sang nước khác tránh lệnh cấm từ Mỹ. Và Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn bởi lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí nhân công rẻ mạt. Cùng với những chính sách ưu đãi về thuế cũng như đất đai từ chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, Google, LG, Panasonic, Foxconn, Canon... cũng đã tìm thấy được nhiều lợi ích ở đây. Nhân cơ hội này, các DN trong nước có thể liên kết sản xuất, cung cấp linh kiện, lắp ráp và tham gia từng công đoạn cho các tập đoàn đã có thương hiệu, qua đó xây dựng và phát triển ngành CNHT cho ngành điện tử Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành CNHT điện tử Việt Nam vẫn trong tình trạng kém phát triển mặc dù đã có thời gian rất dài lên đến 30 năm. Nếu đem so sánh với Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ cần 20 năm xây dựng đã có một nền CNHT phát triển mạnh. Nguyên nhân này đã được bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia có nền tảng công nghệ cơ bản rất tốt như về công nghệ bán dẫn và đất hiếm nên họ có thể bứt phá nhanh trong khi đó Việt Nam hầu như thiếu những yếu tố cơ bản tương tự như vậy.
Hiện nay, đã có một số DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia nhưng số lượng vẫn chưa nhiều. Cung ứng sản phẩm CNHT cho ngành điện tử cấp 1 và cấp 2 vẫn chủ yếu là DN FDI và những DN này chủ yếu dựa vào linh kiện nhập khẩu. Hơn nữa, các DN sản xuất trong nước mới chỉ tham gia vào khâu hoàn thiện sản phẩm kém quan trọng và có giá trị thấp như làm các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa mà chưa có các linh kiện quan trọng, giá trị cao.
Ông Jun Yanagi, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu trong một sự kiện gần đây, hiện có khoảng 1.600 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù gần một nửa trong số đó là từ khu vực sản xuất, nhưng tỷ lệ các linh kiện nội địa mà các công ty sản xuất Nhật Bản thu mua từ các DN Việt Nam rất thấp. Hầu hết các linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất của các DN Nhật Bản tại Việt Nam đều do các công ty Nhật Bản cung cấp. Cụ thể, tỷ lệ thu mua nội địa của các nhà sản xuất Nhật Bản ở Việt Nam là 34,2% vào năm 2016. Con số này hoàn toàn thấp hơn so với tỷ lệ 67,8% ở Trung Quốc; 57,1% ở Thái Lan và 40,5% ở Indonesia.
Buổi tọa đàm xoay quanh các câu hỏi về những vấn đề quan trọng, thiết thực nhất đối với ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội lớn nhất cho Công nghiệp hỗ trợ đối với ngành điện tử là cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến lược cụ thể, ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ.. và dưới đây là ý kiến của các chuyên gia.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam: Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã trở thành một ngành riêng, hỗ trợ cho ngành điện tử, đã khẳng định được tầm quan trọng của nó. Để phát triển ngành này, có 3 yếu tố chính mà các chính sách cần tập trung đó là: đầu tư công nghệ, vốn và đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Hùng Dũng cho biết. Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa là hết sức cần thiết tuy nhiên các cơ quan nhà được được lập ra để hỗ trợ chưa thực hiện tốt được chức năng này. Như doanh nghiệp của ông từ ngày đầu thành lập chưa thấy cơ quan nào của Việt Nam đến hỏi xem DN sản xuất cái gì? có gặp khó khăn gì không? mà chỉ thấy đến thu thuế. Sau đó, DN của ông có dịp gặp một doanh nghiệp Nhật và họ hỏi “có muốn làm nhà cung cấp cho họ không?”, rồi họ hướng dẫn, chỉ cho cách thay đổi từng việc một, điều đó làm công ty của ông tốt dần lên để đáp ứng được tiêu chuẩn, và trở thành nhà cung cấp cho họ.
Vấn đề của ngành hiện nay là đào tạo nhân lực còn thiếu nhiều nền tảng, kiến thức cơ bản. Một số doanh nghiệp đã mời chuyên gia, người đã từng có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc về làm cố vấn cho mình. Tuy chi phí có cao hơn nhưng đảm bảo được chất lượng công việc. Ý kiến giải pháp cho giáo dục đào tạo đã được PGS. TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội đưa ra như: liên kết với các trường đào tạo, các Viện nghiên cứu để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: khi Chính phủ Việt Nam ký kết hợp tác, ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI cần có thêm những điều kiện ràng buộc họ. VD như việc miễn thuế 10 năm thì đến năm thứ 3 các doanh nghiệp FDI cần phải đạt được việc sử dụng các doanh nghiệp Việt Nam là 30%. Như vậy các doanh nghiệp FDI như Samsung, Canon... sẽ có trách nhiệm hơn trong việc đào tạo DN Việt.
Ngành Công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp thì mới bứt phá được. Các chuyên gia đều đồng ý rằng tiềm tăng phát triển của Việt Nam là rất lớn cho thị trường khoảng 100 triệu dân. Họ đưa ra các giải pháp: thứ nhất là về vốn, Nhà nước có các chính sách cấp vốn cho doanh nghiệp Việt; thứ 2 là phải nâng cao về công nghệ, Nhà nước cần xem lại các quy định về công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trước khi ban hành cần xem có khả khi không, có phù hợp với thực tế không. Doanh nghiệp Việt thiếu thông tin thì vai trò cầu nối của Hiệp hội sẽ cố gắng cung cấp các thông tin hữu ích về chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với các doanh nghiệp. Thứ 3 là hệ thống đào tạo cần được cải tiến cho phù hợp hơn.
Doanh nghiệp Việt Nam thực sự đang khá chật vật trước chính sách của cơ quan quản lý. Chính sách hay trên văn bản giấy tờ nhưng chưa có đánh giá tính hiệu quả trên thực tế. Bà Đỗ Thị Thúy Hương lấy ví dụ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hiện đã có hàng nghìn tỷ nhưng vẫn chưa được khơi thông, các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận vay vốn. Như vậy, Quỹ lập ra nhưng chưa thực sự giúp đỡ được cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
“Tôi đơn cử, đổi mới khoa học công nghệ quốc gia đã có đầu tư đến các doanh nghiệp nhưng chưa có đánh giá cụ thể, nhiều doanh nghiệp "kêu" nghe thì hay nhưng tiếp cận khó. Hay nhiều doanh nghiệp mới phát triển tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn. Do đó, các bộ ngành ban hành ra chính sách thì nên đánh giá đã hỗ trợ được gì cho các doanh nghiệp”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi đến tiềm năng phát triển, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng lạc quan cho rằng đã có một số doanh nghiệp Việt bắt đầu sản xuất được sản phẩm công nghệ cao như Viettel, Vn Technology, Vsmart đã sản xuất được điện thoại thông minh, có khả năng trở thành công ty đầu chuỗi để dẫn dắt cho các doanh nghiệp Việt. “chúng ta đang có cơ hội vàng và Việt Nam có tiềm năng đứng đầu Đông nam Á về công nghiệp phụ trợ điện tử”.