Theo Reuters, Nanoco, công ty sở hữu công nghệ chấm lượng tử được sử dụng để tạo ra màn hình TV rực rỡ hiện nay, cáo buộc Samsung và các chi nhánh cố tình vi phạm bằng sáng chế của Nanoco và cho biết họ đang yêu cầu một lệnh cấm vĩnh viễn do các hành vi xâm phạm của Samsung đã gây ra các thiệt hại đáng kể về tài chính cho công ty.
Chủ tịch công ty, ông Christopher Richards, cho biết: "Về mặt lịch sử, chúng tôi đã cộng tác với Samsung trong việc phát triển các chấm lượng tử cải tiến. Dựa trên công nghệ độc đáo và cơ sở bằng sáng chế cùng các sở hữu trí tuệ có liên quan khác của Nanoco. Chúng tôi thực sự rất thất vọng khi Samsung kết thúc cộng tác và ra mắt các TV dựa trên vật liệu chấm lượng tử, nhưng lại không tham gia vào hoạt động cấp phép hay thông qua sự đồng thuận của chúng tôi".
Vụ kiện nếu thành công, có thể gây thiệt hại nhiều triệu USD đối với Samsung, thậm chí là thất thu hàng tỷ USD bởi TV QLED đang là chủ lực kinh doanh của họ. Trong năm 2019, Samsung đã bán được 5 triệu đơn vị, đang tích cực thúc đẩy 8K để mở rộng hiện diện ở phân khúc cao cấp. Hãng đã bỏ qua OLED còn microLED thì chưa sẵn sàng.
Nanoco Technology cũng từng hợp tác cùng Apple, để nghiên cứu và phát triển màn hình dùng chấm lượng tử từ năm 2018, nhưng đến giữa năm 2019 Apple ngưng hợp tác với Nanoco vì giá thành quá cao.
Sẽ hợp lý hơn nhiều nếu các luật sư Samsung tìm kiếm một giải pháp bên ngoài tòa án. Một thỏa thuận mang tính kinh doanh để dàn xếp vụ kiện, thay vì cố kéo dài tranh chấp pháp lý có thể dẫn tới những hậu quả khó lường và không cần thiết. Sau vụ kiện nhiều năm với Apple, công ty có lẽ đã học được bài học cần thiết.