Trong thư gửi hai thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn và Richard Blumenthal ngày 23/6, TikTok nói "chỉ một số" thông tin của người sáng tạo nội dung trên nền tảng được lưu trữ bên ngoài Mỹ, gồm Trung Quốc. Điều này ngược với các tuyên bố trước đó của nền tảng, rằng toàn bộ dữ liệu người Mỹ được lưu tại máy chủ đặt ở Mỹ.
TikTok định nghĩa người sáng tạo là "người dùng có mối quan hệ thương mại" với công ty, chẳng hạn các nhân vật có ảnh hưởng chuyên tạo video trả phí. Nền tảng của ByteDance cho biết các thông tin lưu trữ gồm hợp đồng và "tài liệu liên quan", nhưng không đề cập chi tiết.
Trong khi đó, Forbes trích dẫn nguồn nội bộ rằng dữ liệu của nhà sáng tạo Mỹ lưu tại Trung Quốc có nhiều thông tin quan trọng. Ngoài thông tin cá nhân cơ bản còn có cả biểu mẫu thuế và số an sinh xã hội.
Trước nghi vấn TikTok có thể gửi dữ liệu người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc, đại diện công ty phủ nhận: "TikTok chưa bao giờ được chính phủ Trung Quốc yêu cầu cung cấp dữ liệu này. TikTok cũng không bao giờ làm vậy".
Theo hai nghị sĩ Blackburn và Blumenthal, phản ứng của TikTok cho thấy rõ ràng dữ liệu của người Mỹ vẫn có mặt tại Trung Quốc, bất chấp những tuyên bố trước đó. Cả hai nhấn mạnh vấn đề này "vô cùng đáng lo ngại".
TikTok hiện có hơn 150 triệu người dùng tại Mỹ. Tuy nhiên, nền tảng đang đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng từ các nhà lập pháp và quan chức trong việc cấm ứng dụng trên toàn quốc do lo ngại về việc kiểm soát dữ liệu người dùng cũng như sức mạnh lan truyền thông tin xấu độc của thuật toán TikTok. Hồi tháng 3, CEO TikTok Shou Chew cũng đã điều trần trước quốc hội Mỹ với hàng loạt câu hỏi từ lưỡng đảng.
Giữa tháng 5, Montana trở thành bang đầu tiên tại Mỹ công bố lệnh cấm hoàn toàn TikTok, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2024. Giới chức bang tuyên bố có thể áp hình phạt 10.000 USD với mỗi vi phạm và phạt bổ sung 10.000 USD mỗi ngày nếu tái phạm. Dù vậy, lệnh cấm của Montana được đánh giá sẽ vấp phải nhiều thách thức pháp lý liên quan đến quyền tự do ngôn luận của người dùng và có thể bị đảo ngược.
Nhiều nước phương Tây lo ngại rằng dữ liệu do TikTok thu thập từ thiết bị của công dân có thể bị các đặc vụ Trung Quốc sàng lọc nhằm tìm kiếm các mục tiêu có giá trị để theo dõi.
Hồi tháng 2, Anh cấm TikTok trên các thiết bị của các quan chức chính phủ.
Tuy nhiên, TikTok nhiều lần nhấn mạnh rằng công ty không làm việc với Bắc Kinh liên quan các vấn đề đó. Tháng trước, TikTok khởi kiện sau khi tiểu bang Montana của Mỹ cấm người dân cài đặt ứng dụng này.
Lệnh cấm dự kiến có hiệu lực vào năm tới và bị TikTok cho là vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ, cũng như “dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản”.