Ngày 18/12 tại Bangalore (Ấn Độ), Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) và Công ty QuadGen Wireless Solutions Pvt Ltd. (QuadGen) đã tổ chức sự kiện Chuyển giao Hệ thống 5G Private do Viettel nghiên cứu, chế tạo, cung cấp cho QuadGen chỉ sau 5 tháng ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ tại thị trường Ấn Độ.
Hệ thống 5GP gồm đầy đủ cả 3 phân lớp mạng là mạng truy nhập vô tuyến (trạm gốc Macro, Micro, AIO), mạng truyền dẫn 100G, mạng lõi 5GC, cho phép cung cấp dịch vụ mạng riêng với 2 dịch vụ chính là dữ liệu tốc độ cao (eMBB) và dịch vụ thoại chất lượng cao (VoNR), làm nền tảng kết nối cho các ứng dụng cho nhà máy thông minh, đô thị thông minh, y tế, giáo dục, an ninh…
Hiện hệ thống 5G Private (5GP) đã đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Viettel đã cùng Quadgen ra mắt hệ thống 5GP với các sản phẩm thiết bị đầy đủ cả 3 phân lớp mạng là mạng truy nhập vô tuyến (trạm gốc Macro, Micro, AIO), mạng truyền dẫn 100G, mạng lõi 5GC.
Theo đánh giá của Chính phủ Ấn Độ, dự kiến đến 2026, Ấn Độ (thị trường viễn thông lớn thứ hai thế giới) có thể đạt 350 triệu thuê bao 5G trong khi chưa có đơn vị nội địa nào đủ khả năng cung cấp thiết bị viễn thông đáp ứng đầy đủ các phân lớp mạng hoàn chỉnh. Đây cũng là đề bài khó với phần đông các nhà cung cấp lớn khác trên thế giới bởi họ thường tập trung vào một số phân lớp như trạm gốc hay mạng lõi, cũng như phải có sự kết hợp của nhiều vendors mới có thể hoàn thành được một mạng 5GP.
“Mục tiêu của Quadgen là tìm kiếm đối tác chiến lược để sản xuất và cung cấp thiết bị 5G cho thị trường Ấn Độ bởi Chính phủ luôn ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước. Mạng riêng 5G sẽ được triển khai quy mô lớn trong nhiều ngành công nghiệp. Chúng tôi hiện có rất nhiều khách hàng là các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ có nhu cầu triển khai mạng 5GP và chúng tôi đã tìm kiếm rất lâu để biết rõ về Viettel”, Tiến sĩ C.S. Rao, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập QuadGen chia sẻ.
Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Viettel High Tech cho biết: “Thị trường Ấn Độ có những yêu cầu khá đặc thù đối với sản phẩm thiết bị viễn thông. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn vì lợi thế của chúng tôi chính là đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của khách hàng, dựa trên khả năng làm chủ hệ thống của mình. Từ mạng 5GP, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tư vấn triển khai mạng 5G công cộng cho các doanh nghiệp viễn thông tại Ấn Độ”.
Dịp này, Công ty Ai20X (Mỹ), QuadGen (Ấn Độ) và Viettel High Tech (Việt Nam) cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng trong lĩnh vực 5G tại Ấn Độ. Đây có thể coi là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho các bên, từ đó nghiên cứu, phát triển và cung cấp các giải pháp toàn diện vượt qua hệ tiêu chuẩn của ngành tới những đối tác toàn cầu.
Hệ thống IMS là một trong những thành phần quan trọng trong lớp mạng lõi, cung cấp dịch vụ gọi thoại với các ưu điểm hoàn toàn vượt trội so với dịch vụ thoại trên mạng 3G; trong đó thời gian thiết lập cuộc gọi nhanh hơn 3 lần, chất lượng cuộc gọi đạt tiệu chuẩn HD call, giảm lượng tiêu thụ pin của thiết bị đầu cuối từ 30%-50% khi thực hiện cuộc gọi.
Hệ thống IMS do Viettel High Tech tự nghiên cứu, phát triển từ năm 2018. Trong quá trình nghiên cứu, các kĩ sư Viettel đã phát triển sản phẩm tuân thủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Viễn thông Quốc tế 3GPP, được triển khai trên nền tảng ảo hóa theo xu hướng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, giúp dễ dàng tích hợp vào mạng lưới.
Khi đưa hệ thống IMS này vào vận hành, ngoài việc tiết kiệm chi phí bằng 1/2 so với việc mua hệ thống từ các đối tác nước ngoài, Viettel còn có khả năng tự chủ, không phụ thuộc vào bên thứ 3 đồng thời linh hoạt trong việc nâng cấp, điều chỉnh những gói dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.