Nghiên cứu đã phân tích 111 ảnh vệ tinh ở Vũ Hán từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2020, cũng như các triệu chứng bệnh thường xuyên được tìm kiếm trên trang Baidu (Bách Độ) của Trung Quốc.
Kết quả nhận thấy số lượng xe cộ tại bãi gởi xe bệnh viện Vũ Hán tăng rất cao kể từ tháng 9/2019, và đạt đến đỉnh điểm vào tháng 12/2019.
Bên cạnh đó, do từ khóa “ho” tăng mạnh trên công cụ tìm kiếm Baidu, nhóm nghiên cứu bèn thêm từ khóa “tiêu chảy” - cũng là triệu chứng đặc trưng của Covid-19. Họ nhận ra rằng việc tìm kiếm theo từ khóa “tiêu chảy” tăng cao trong tháng 8/2019, một điều chưa từng có trong các dịch cúm trước đây.
Báo cáo ghi rõ: “Các dữ liệu liên quan đến gia tăng lưu lượng người đến bệnh viện và tìm kiếm các triệu chứng ở Vũ Hán đã có trước khi bắt đầu ghi nhận đại dịch Covid-19 vào tháng 12.2019. Mặc dù chúng tôi không thể xác nhận liệu sự gia tăng này có liên quan trực tiếp đến virus chủng mới hay không, bằng chứng của chúng tôi giúp củng cố các nghiên cứu khác gần đây cho thấy, virus đã xuất hiện trước thời điểm được ghi nhận tại chợ hải sản Hoa Nam.”
“Những phát hiện này chứng thực cho giả thuyết rằng virus xuất hiện ngoài tự nhiên ở miền nam Trung Quốc và có khả năng đã lây lan trước thời điểm phát hiện cụm dịch tại Vũ Hán.”
Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng phản đối kết quả phân tích trên. Bắc Kinh chỉ trích nghiên cứu của Đại học Y khoa Harvard cho rằng virus corona lây lan ở Vũ Hán từ tháng 8/2019, gọi đây là một phần của chiến dịch làm sai lệch thông tin.
Hôm 11/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích nghiên của Đại học Y khoa Harvard “thiếu cơ sở” và là một phần của chiến dịch làm sai lệch thông tin.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh nói rằng: “Một số chính trị gia và đơn vị truyền thông của Mỹ đang coi nghiên cứu này là bằng chứng để buộc tội Trung Quốc che giấu dịch bệnh”.
Kết quả này tạo thêm cơ sở cho giả thiết virus đã lây lan tại miền nam Trung Quốc và tâm dịch Vũ Hán trước khi chính thức được công bố. Nghiên cứu này thuộc một lãnh vực mới mẻ là dịch tễ học kỹ thuật số.