Con người không những đóng vai trò quan trọng và quyết định trong việc tạo ra khoa học và công nghệ (KHCN) mà còn đóng vai trò thúc đẩy KHCN. Để thành công trong cuộc cạnh tranh, hệ thống sản xuất cần sự mau lẹ và khả năng chuyển đổi nhanh chóng. Điều này chỉ có thể thực hiện bởi các tiến bộ về KHCN, mà nguồn nhân lực KHCN quyết định các tiến bộ này.
Ở Việt Nam, vấn đề quản trị nhân lực cho sự phát triển kinh tế trong kỷ nguyên 4.0 đang được quan tâm mạnh mẽ. Rất nhiều cảnh báo xung quanh việc Việt Nam sẽ bị tụt lại phía sau nếu như không đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế. “Đến thời kì công nghiệp 4.0, công việc của người làm nhân sự đã rất khác.
Ngoài tìm kiếm nhân tài, phải học cách để giữ người tài, quy hoạch nguồn nhân lực làm sao phù hợp với định hướng kinh doanh cũng như văn hóa của công ty. Làm nhân sự cũng phải tư duy theo kiểu kinh doanh. Thế nhưng bộ phận nhân sự của các công ty vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp xu thế. Muốn đuổi kịp thế giới và không bị làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 nuốt chửng, người làm nhân sự Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi”, ông Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc CTCP công nghệ DTT chia sẻ. Tác động của cách mạng 4.0 đến việc áp dụng KHCN trong quản trị nhân lực để phát triển kinh tế rất mạnh mẽ. Phải kể đến đầu tiên chính là tác động đến chủ thể. Chủ thể của cách mạng 4.0 là máy móc, robot,…cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), chủ thể quản trị nhân lực sẽ không chỉ còn là con người mà thêm cả người máy. Trong những bước đầu, sự phát triển của người máy sẽ thúc đẩy quản trị nhân lực và tuân thủ, thực hiện ý chí của con người.
Cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu tập trung vào công nghệ số. Vì vậy, quản trị nhân lực sẽ phải hướng tới công nghệ số. Các quy trình quản lý mới sẽ thay thế quy trình quản lý máy móc, điện khí hóa, tự động hóa bằng tin học hóa. Chỉ với thiết bị đầu cuối và phủ sóng wifi, quy trình công nghệ và quản lý quy trình công nghệ sẽ được triển khai thực hiện. Không chỉ quy trình công nghệ bị tác động mà phương thức sản xuất và phương thức quản lý cũng bị tác động. Sản xuất và phương thức quản lý cũng sẽ thay đổi theo hướng số hóa. Các dữ liệu sẽ được sử dụng và truyền dẫn qua biên giới, không phụ thuộc vào ý chí của những nhà quản lý dữ liệu. Từ đó, nhân lực cũng được quản lý theo phương thức đa dạng và hữu hiệu nhất.
Những tác động mà cách mạng 4.0 mang lại vừa có điểm tích cực, vừa có điểm tiêu cực và nó đan xen nhau. Theo số liệu thống kê của Diễn đàn kinh tế thế giới 2016, đến năm 2020, lao động nhà máy và sản xuất sẽ giảm 1,63%; khối hành chính và văn phòng giảm 4,91%. Trong khi đó, lao động ngành IoT tăng trưởng 5%; dữ liệu lớn (Big Data) tăng khoảng 4,9%; điện toán và toán học tăng 3%. Dưới tác động của cách mạng 4.0, nhiều loại lao động sẽ tăng lên, giảm đi hay xuất hiện nhiều lao động mới. Chính vì thế, để thích ứng, người lao động cũng như bộ phận quản trị nhân sự phải sở hữu nhiều kỹ năng như quản lý, kỹ thuật số và cả những kỹ năng mềm.
Ông Trần Kim Chung – Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thời chuyển đổi số là bắt buộc và cấp thiết. Bộ phận quản trị nhân sự cần lựa chọn và đánh giá cao những kỹ năng mềm mà người lao động cần có. Những kĩ năng được đề cao hàng đầu là khả năng xử lý những vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý và có sự tương tác, khả năng đánh giá và ra quyết định”.
Cách mạng 4.0 tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau của kinh tế xã hội. Tác động của cách mạng 4.0 đến việc áp dụng KHCN vào quản trị nhân lực để phát triển kinh tế trên cả bình diện đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản trị nhân lực và công nghệ đào tạo nhân lực công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.