Cuối năm 2017, nhiều thông tin cho thấy Tesla đang nỗ lực tự xây dựng con chip máy tính đầu tiên của mình dành cho xe tự lái và đến tháng 10/2018, ông Elon Musk cho biết con chip silicon chỉ còn cách ngày ra mắt 6 tháng nữa. Và hôm nay, Tesla đã giới thiệu con chip đó.
Trên thực tế, con chip này có tên Full Self Driving này đã được xuất xưởng bên trong chiếc Tesla Model S và Model X từ hơn một tháng nay, và nó cũng mới được đặt trong chiếc Model 3 từ giữa tháng 4. Nhưng Tesla đã chờ đến ngày Autonomy Investor Day của mình tổ chức tại Palo Alto, California để lần đầu tiên chính thức trình làng con chip dành cho xe tự lái này. Con chip là một tấm silicon có diện tích 260mm2, với 6 tỷ bóng bán dẫn. Tesla tuyên bố con chip này có hiệu năng cao gấp 21 lần các chip của Nvidia mà họ sử dụng trước đây.
Bên cạnh nhiều thông số kỹ thuật, con chip do Tesla thiết kế và Samsung gia công này còn chứa một thông điệp mà Tesla đang muốn đưa ra: đó là bộ phận phần cứng này được tạo nên với mục đích xử lý toàn bộ dữ liệu từ các cảm biến của ô tô gửi về nhanh hơn và hiệu quả hơn các chip AI hiện đang dùng.
Đáng chú ý, Tesla cho biết, các mảng mạng lưới thần kinh nhân tạo ghép đôi của con chip này có khả năng xử lý 36 nghìn tỷ phép tính mỗi giây (mỗi mảng) và chỉ có chi phí bằng 80% so với những gì công ty đã trả cho Nvidia trước đây. Dù con chip của họ tiêu thụ điện năng cao hơn (72W so với 57W trước đây), nhưng đổi lại họ có hiệu năng xử lý tăng gấp 21 lần. Mức điện năng tiêu thụ này sẽ không ảnh hưởng đến chi phí cũng như phạm vi hoạt động của chiếc xe.
Mỗi bản mạch máy tính dành cho xe tự lái của Tesla được trang bị đến hai con chip mới. Trên bản mạch có cả nguồn điện dự phòng cho mỗi con chip và thậm chí cả các phép tính dự phòng khi hệ thống so sánh kết quả từ cả hai bộ xử lý trước khi nó điều khiển tay lái xe. Hiện mỗi chiếc ô tô do Tesla sản xuất ra đều sẽ có các phần cứng cần thiết dành cho khả năng tự lái hoàn toàn.