Vừa qua, tại giao ban công tác quản lý giữa Bộ TTTT với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, bộ thống nhất thành lập lực lượng chuyên trách về vấn đề bản quyền. Đội chuyên trách có sự tham gia của Bộ VHTTDL và Bộ Công an.
Thống kê từ Similar Web cho thấy, tại Việt Nam, có hơn 200 trang web bóng đá lậu với 1,5 tỉ lượt truy cập trong năm 2022. Còn theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, chỉ sau 4 vòng đấu đầu tiên của giải Ngoại hạng Anh 2023, có 239 website phát trái phép. Chủ yếu nguồn nội dung của các trang này lấy từ những doanh nghiệp được cung cấp chính thống, ví dụ như K+, FPT Play, TV360, MyTV...
Các web bóng đá lậu sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ẩn giấu thông tin, hoạt động công khai và thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. 75% web bóng đá lậu gắn quảng cáo độc hại và 97% các quảng cáo này chứa nội dung độc hại như cá độ, virus, nội dung người lớn và lừa đảo.
Theo đánh giá từ Media Partner Asia, việc vi phạm bản quyền đã làm thất thoát đến 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu ngành công nghiệp truyền thông trong năm 2022.
Bà Phạm Thanh Thủy, Trưởng phòng Chống vi phạm bản quyền của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV/K+), cho biết một trong những biện pháp đang được các nước trên thế giới áp dụng hiệu quả là chặn truy cập vào các trang web này.
Đại diện K+ cho biết một trong những biện pháp đang được các nước trên thế giới áp dụng hiệu quả là chặn truy cập vào các website này. Chẳng hạn ở Úc, quyết định chặn truy cập được tòa án đưa ra. Theo đó, doanh nghiệp đưa ra danh sách mẫu, tòa án sẽ phán quyết một lần duy nhất và các nhà mạng (ISP) chủ động chặn các website vi phạm này dù có đổi tên miền hay cách thức hoạt động. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay, mỗi lần đề xuất chặn một tên miền, doanh nghiệp phải làm hồ sơ mất 2 ngày để gửi đến cơ quan chức năng nhưng chỉ mất 2 phút, bên vi phạm đã đổi tên miền mới.
Bà Phạm Thanh Thuỷ cho rằng không nên chỉ chặn domain, DNS mà cần chặn cả một dải IP. Các ISP cũng cần chặn truy cập nhanh và hiệu quả hơn, áp dụng một cách linh hoạt, đồng thời cần cung cấp đầu mối liên lạc để khi phát hiện vi phạm thì có thể chặn ngay. Hiện nay, khi phát hiện vi phạm, các nhà đài không biết gửi cho ai, lòng vòng mất rất nhiều thời gian.
Đại diện K+ đề xuất để giải quyết vấn đề này, cần thành lập tổ chuyên trách (Task Force) dưới sự quản lý và giám sát của Bộ TT&TT, có sự tham gia của lực lượng an ninh, các ISP... để xử lý tất cả các nội dung vi phạm pháp luật trên môi trường số như cá độ, cờ bạc, lừa đảo, chống phá nhà nước, khiêu dâm, độc hại, vi phạm bản quyền…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TT&TT thống nhất thành lập lực lượng đội chuyên trách về vấn đề bản quyền với sự tham gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an. Vấn đề vi phạm bản quyền gắn với tội phạm có tổ chức, chẳng hạn kênh Xôi lạc không đơn giản chỉ là hình thức livestream lên mạng mà còn gắn với tội phạm lừa đảo trực tuyến, cờ bạc trực tuyến, cho vay nặng lãi để cá cược bóng đá.
"Vấn đề vi phạm bản quyền gắn với tội phạm có tổ chức, chẳng hạn kênh Xôi lạc không đơn giản chỉ là hình thức livestream lên mạng mà còn gắn với tội phạm lừa đảo trực tuyến, cờ bạc trực tuyến, cho vay nặng lãi để cá cược bóng đá", Thứ trưởng Lâm nhận định.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết cần đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn người dùng, giáo dục họ không xem các chương trình vi phạm bản quyền. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ có kế hoạch trao đổi với lực lượng công an mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này.