Ngày 13/10, các cơ quan quản lý của Anh cuối cùng đã "bật đèn xanh" cho phép Microsoft mua lại công ty phát triển trò chơi điện tử Activision Blizzard sở hữu tựa game đình đám Call of Duty, mở đường cho thương vụ lớn nhất trong làng trò chơi điện tử thế giới.
Để được chấp thuận, Microsoft đã điều chỉnh một số nội dung trong thỏa thuận theo yêu cầu của các nhà quản lý Anh. Với sự điều chỉnh này, trở ngại pháp lý cuối cùng đối với Microsoft đã được dỡ bỏ.
Thương vụ thành công đồng nghĩa với Microsoft sẽ nắm trong tay những tựa game lớn như Call of Duty, World of Warcraft và Diablo.
Hãng công nghệ Mỹ sẽ có hơn 400 triệu người chơi hoạt động hằng tháng từ các tựa game của Activision Blizzard, đồng thời cũng sở hữu một lượng khách hàng tiềm năng cực lớn cho dịch vụ trò chơi Xbox Game Pass. Đây sẽ lợi thế cạnh tranh rất lớn của Microsoft trong tương lai khi bước vào kỷ nguyên Metaverse.
Microsoft đang đặt mục tiêu trở thành Netflix về trò chơi điện tử với nền tảng trực tuyến Game Pass cho phép người dùng tải game về chơi thông qua điện toán đám mây.
Microsoft bắt đầu kế hoạch mua lại Activision Blizzard từ tháng 1/2022. Kế hoạch của Microsoft được sự chấp thuận từ nhiều khu vực pháp lý, bao gồm Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh (CMA) đã phản đối thương vụ này, lo ngại vụ sáp nhập sẽ giúp nhà sản xuất Xbox sẽ thống trị thị trường game đám mây khi nắm trong tay quyền tiếp cận độc quyền vào các trò chơi của Activision - đặc biệt là Call of Duty - khiến các công ty sản xuất máy chơi điện tử khác như Nintendo và Sony bị ảnh hưởng.
Dù vậy, phía Microsoft lập luận rằng việc độc quyền các trò chơi của Activision "không có ý nghĩa chiến lược”, và việc cấp phép trên mọi nền tảng sẽ có lợi về kinh tế hơn. Để giải quyết những lo ngại của FTC và CMA, Microsoft đã điều chỉnh một số nội dung trong thỏa thuận theo yêu cầu của các nhà quản lý, đồng ý cấp phép tựa trò chơi bom tấn "Call of Duty" cho các đối thủ.
Do đó, lo ngại của FTC và CMA được giải quyết, dẫn đến việc cơ quan quản lý chấp thuận giao dịch.
Thương vụ thành công mang về cho Microsoft danh mục nhượng quyền của hàng loạt trò chơi nổi tiếng như Call of Duty, Diablo, Overwatch, StarCraft, WarCraft, Candy Crush Saga...
Activision Blizzard được thành lập tháng 7/2008, gồm 5 đơn vị kinh doanh là Activision Publishing, Blizzard Entertainment, King, Major League Gaming và Activision Blizzard Studios.
Activision Blizzard gia nhập S&P 500 vào tháng 8/2015, trở thành một trong hai công ty duy nhất trong danh sách liên quan đến trò chơi, bên cạnh Electronic Arts. Tháng 6/2017, Activision Blizzard tiếp tục gia nhập Fortune 500, trở thành công ty trò chơi thứ ba trong lịch sử lọt vào danh sách sau Atari và Electronic Arts.
Tính đến tháng 3/2018, đây là công ty trò chơi điện tử lớn nhất ở châu Mỹ và châu Âu về doanh thu và vốn hóa thị trường.
Với thương vụ gần 69 tỷ USD này, Microsoft thành công đưa Activision Blizzard về thành một bộ phận của Microsoft Gaming và trở thành công ty trò chơi lớn thứ ba thế giới tính theo doanh thu (sau Tencent và Sony).