Hiện kho phim của một số đài phát thanh, truyền hình đang tồn tại nhiều nội dung có thể vi phạm vào điều cấm của Luật Điện ảnh, trong đó có cả “đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ bản quyền của các doanh nghiệp truyền hình trong nước đang được làm một cách phân tán. Đa phần chỉ dồn lực bảo vệ các nội dung độc quyền, như giải thể thao. Trong khi với nội dung không độc quyền, như phim, trách nhiệm là của chung và không ai làm.
Bên cạnh việc yêu cầu các đài phát thanh, truyền hình bảo vệ bản quyền nội dung, các nền tảng xuyên biên giới, như YouTube, TikTok đang xuất hiện những nội dung "không rõ ràng về bản quyền".
Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) chia sẻ tại một hội nghị phổ biến pháp luật mới đây về tình trạng xuất hiện những nội dung vi phạm vào điều cấm của Luật Điện ảnh ở kho nội dung của các đài phát thanh, truyền hình có hoạt động biên tập phim và các kênh nước ngoài.
Chia sẻ quan điểm về câu chuyện này, ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, thời gian qua tại Việt Nam xuất hiện một số phim có nội dung vi phạm các quy định của Luật Điện ảnh.
Lấy dẫn chứng, ông Việt nhắc đến phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay mất tích” (MH370 -The Plane That Disappeared) trên Netflix với nội dung không chính xác về những đóng góp của Việt Nam trong công tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia.
Gần đây nhất, qua quá trình kiểm tra, rà soát, Cục Điện ảnh đã phát hiện trong nội dung của một bộ phim Trung Quốc được trình chiếu trên Netflix có thể hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.
“Từ tập 18 đến 30 của phim này có nhiều hình ảnh vi phạm. Trong đó, tại tập 18 còn kèm theo lời thoại và phụ đề: “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới”. Điều này không chỉ vi phạm về hình ảnh, nội dung mà còn vi phạm rất rõ các quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh. Những bộ phim này không phổ biến được trên các nền tảng”, ông Đỗ Quốc Việt nói.
Với các trường hợp này, Bộ cho biết có thể xử lý trong vài phút bằng cách yêu cầu nhà mạng chặn truy cập. Tuy nhiên để xử lý triệt để, cần một chiến dịch lớn.
"Bộ không ngần ngại triển khai một chiến dịch rà quét, chặn, hạ các trang web vi phạm bản quyền ở quy mô lớn trong thời gian tới. Thậm chí có thể làm ở một quy mô lớn chưa từng có", ông nói.
Để làm được điều đó, cần thực các quy trình gồm thống kê rà quét, thu thập thông tin, đấu tranh, song song là "nắn dòng quảng cáo", để dòng tiền không chảy vào các trang có nội dung xấu.
Đặc biệt, theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, những phim vi phạm chủ quyền biển đảo và lãnh thổ an ninh quốc gia sẽ không được chấp nhận.
Thực tế hiện nay, nhiều đài phát thanh, truyền hình có kho nội dung tồn tại từ trước khi Luật Điện ảnh ra đời năm 2022. “Nếu khi rà soát thấy phim vi phạm Khoản 1, Điều 9 của Luật Điện ảnh, các đài nên tiêu hủy, hủy bỏ bởi những nội dung này không thể sử dụng, lưu trữ”, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định.
Theo ông Việt, các đài truyền hình, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung số cần lưu ý những quy định của Luật Điện ảnh để tránh những sai phạm do sơ suất hoặc do chưa nghiên cứu kỹ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với Netflix về vi phạm của các phim có “đường lưỡi bò” trên nền tảng xuyên biên giới này. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có sự phối hợp để quản lý đối với vấn đề phân phối các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới.