Trong đơn kiện của tổng chưởng lý Washington D.C., ông Karl A. Racine, Google được cho là "đã đánh lừa người tiêu dùng một cách có hệ thống về cách vị trí của họ được theo dõi" trên những chiếc smartphone.
Đơn kiện còn cho rằng Google đã khiến người dùng "gần như không thể" ngăn chặn việc bị theo dõi. Vị này còn nói rằng bất kể người dùng Android có thay đổi cài đặt thiết bị ra sao, vị trí của họ vẫn bị Google thu thập.
"Google đã khiến người tiêu dùng tin rằng việc thay đổi cài đặt trên tài khoản và thiết bị của họ sẽ cho phép khách hàng bảo vệ quyền riêng tư và kiểm soát dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, sự thật lại trái ngược lại so với tuyên bố của Google. Công ty vẫn tiếp tục thu lợi một cách có hệ thống từ dữ liệu của khách hàng", Racine tuyên bố.
Racine cũng cho biết ông đang yêu cầu tòa án ngăn chặn các hành vi trái pháp luật của Google. Đơn kiện còn cho rằng Google đã lừa dối người dùng khi nói rằng nếu dịch vụ định vị bị vô hiệu hóa, một số ứng dụng sẽ không hoạt động bình thường, mặc dù điều đó không chính xác.
Trong khi đó, Todd Rokita, Tổng chưởng lý Indiana cũng nói rằng "Google đã ưu tiên lợi nhuận hơn con người. Công ty chỉ tập trung vào doanh thu hơn là tuân theo các quy định của pháp luật".
Phản hồi về thông tin trên, José Castañeda, một phát ngôn viên của Google khẳng định rằng những cáo buộc trên hoàn toàn không chính xác và dựa trên những thiết lập cài đặt lỗi thời của công ty.
"Chúng tôi luôn tích hợp những tính năng bảo mật và các sản phẩm của mình và cung cấp các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ đối với dữ liệu vị trí", José cho biết.