Nokia, một thời thống trị thị trường điện thoại di động, đã thất bại trong việc bắt kịp cuộc cách mạng smartphone. Kodak, vốn là vua của ngành máy ảnh, lại chậm chân trong kỷ nguyên kỹ thuật số. BlackBerry, dù là người tiên phong trong lĩnh vực smartphone, cũng không thể duy trì vị thế khi thị trường thay đổi.
Những cái tên này đều có một điểm chung: từ đỉnh cao quyền lực trong ngành công nghệ, họ đã dần biến mất khỏi thị trường. Và giờ đây, Intel, một gã khổng lồ trong ngành chip máy tính, đang đối mặt với nguy cơ tương tự khi bị các đối thủ như Nvidia và AMD vượt mặt.
Sự sụp đổ của một đế chế chip
Trong suốt nhiều thập kỷ, chip xử lý CPU của Intel đã có mặt trong hầu hết các máy tính trên toàn cầu, từ PC, laptop đến các máy chủ trung tâm dữ liệu. Những cái tên như Pentium, Core i hay Xeon đã trở nên quen thuộc với người dùng công nghệ. Thế nhưng, ở vị trí dẫn đầu quá lâu, Intel đã không thể ngăn cản sự trỗi dậy mạnh mẽ của AMD và Nvidia, khiến cục diện thị trường bắt đầu thay đổi.
Nvidia, từ chỗ là một tay chơi nhỏ so với Intel về cả doanh thu và vốn hóa, hiện đã chiếm lĩnh thị trường chip AI. AMD cũng không chịu kém cạnh khi liên tục cải tiến CPU của mình, đạt hiệu suất cao hơn với giá thành hợp lý hơn. Theo dữ liệu từ Stocklytics, thị phần chip dành cho PC và laptop của Intel đã giảm 20% trong quý II/2024, trong khi AMD tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ mất thị phần trong mảng chip, Intel còn để tuột khỏi tay lợi thế sản xuất vào đối thủ TSMC, công ty gia công bán dẫn từ Đài Loan. Từng là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, Intel giờ đây phải đối mặt với một tương lai đầy khó khăn khi vốn hóa thị trường của hãng chỉ còn là một phần nhỏ so với Nvidia và thậm chí thấp hơn cả Qualcomm, Broadcom, Texas Instrument và AMD.
Những sai lầm chiến lược
Theo CNBC, một loạt các sai lầm chiến lược trong những năm qua đã đưa Intel vào tình cảnh hiện tại. Họ đã bỏ lỡ làn sóng chip di động khi iPhone ra mắt vào năm 2007 và cũng không bắt kịp xu thế AI trong bối cảnh các công ty như Meta, Microsoft, và Google đổ xô mua chip từ Nvidia.
Một trong những bước đi sai lầm đáng chú ý là quyết định tiếp tục sử dụng công nghệ DUV (Deep Ultra Violet) thay vì đầu tư vào EUV (Extreme Ultra Violet) – công nghệ in thạch bản mới, tiên tiến hơn. Quyết định này đã khiến Intel từ vị trí dẫn đầu trở thành kẻ đi sau trong cuộc đua công nghệ chip.
Liệu intel có thể thoát khỏi vòng xoáy tụt hậu?
Trong một động thái mạnh mẽ để cắt giảm chi phí, CEO Intel Pat Gelsinger đã thông báo sa thải 15% nhân sự vào đầu tháng 8, với mục tiêu giảm chi tiêu và chi phí hoạt động khoảng 10 tỷ USD từ nay đến 2025. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng phục hồi của Intel.
Kịch bản tốt nhất là hãng có thể đổi mới và đẩy mạnh R&D để thu hẹp khoảng cách với Nvidia và AMD. Nhưng nếu không thể thích nghi và tiếp tục mất thị phần, Intel có thể sẽ theo bước chân của Nokia hay Yahoo, trở thành một cái tên khác trong danh sách các gã khổng lồ công nghệ bị lãng quên.
Mặc dù vậy, Intel vẫn có một lá bài trong tay: sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ. Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ đã coi hãng là cốt lõi của chuỗi cung ứng chip, đổ hàng tỷ USD vào việc thúc đẩy sản xuất chip tại Mỹ. Đây có thể là đòn bẩy giúp Intel tìm lại vị thế đã mất và tránh khỏi số phận của những ông lớn công nghệ đã từng thất bại.
Hành động nhanh chóng hay đối mặt với sự lãng quên
Intel đang đứng trước ngã ba đường: hoặc là hành động nhanh chóng để đảo ngược tình thế, hoặc là chìm vào quên lãng như những tên tuổi từng dẫn đầu khác. Hành trình phục hồi của Intel sẽ là một thử thách lớn, không chỉ đối với ban lãnh đạo mà còn với cả ngành công nghiệp chip máy tính toàn cầu.