Hầu hết các chuyên gia kinh tế quốc tế lẫn trong nước đánh giá kinh tế Việt Nam có triển vọng tích cực trong năm 2024. TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cũng đưa ra đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam trong quý 1 và cả năm 2024. Ông cho rằng với những chính sách vĩ mô đúng đắn cùng sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP như kỳ vọng. Tuy nhiên, ông Thành cũng cảnh báo Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong năm tới như: rủi ro nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, tác động từ suy thoái kinh tế thế giới do những bất ổn địa chính trị, xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraina, Biển Đỏ... đang diễn biến khó lường. Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp hiệu quả để duy trì đà tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, Trong tháng 1/2024, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận một số dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng, với tỷ lệ tăng 18.3% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng đạt mức cao, với hơn 13.500 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 24.8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện sự tăng trưởng và sức sống của môi trường kinh doanh.
Trong khi đó, vốn FDI đăng ký và thực hiện cũng có sự tăng trưởng đáng kể, đạt mức 2.36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng và môi trường kinh doanh ổn định của Việt Nam.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 4.1% và nhập khẩu tăng 6.8% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cán cân thương mại vẫn xuất siêu nhưng ở mức thấp hơn.
Không chỉ vậy, du lịch cũng là một điểm sáng khi hơn 1.5 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1, tăng 73.6%.
Dựa vào các chỉ số của Tổng cục Thống kê nêu trên, TS. Võ Trí Thành, đánh giá các chỉ số này. Ông phân tích rằng: “để nhận diện sự chuyển biến trong nền kinh tế một cách toàn diện, chúng ta nên tập trung vào con số thống kê của cả quý I hoặc ít nhất là tháng 1 và tháng 2. Việc so sánh chỉ số “cùng kỳ năm trước” có thể gặp khó khăn do tác động của yếu tố thời vụ, như Tết năm nay rơi vào tháng 2, khác với năm trước.
Trong khi đó, các cam kết như FDI, đã được thực hiện vào cuối năm 2023 và tháng 1 năm nay, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực cần sự đầu tư chất lượng. Điều này mở ra triển vọng cho các dự án hiệu quả mang lại ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế.
Với những tín hiệu khả quan ban đầu, tôi dự đoán rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có nhiều “điểm cộng” nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức và cơ hội đồng thời. Tuy kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất định, nhưng dự báo gần đây cho thấy sự phục hồi chắc chắn như sự tăng trưởng của các đối tác thương mại chính là Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc có thể thấp hơn so với năm trước, nhưng vẫn duy trì ổn định.
Nhìn vào nền kinh tế trong nước, đã thấy sự ổn định của hệ thống ngân hàng sau những chấn động cuối năm 2022. Du lịch và đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng, mặc dù đầu tư tư nhân vẫn là một dấu hỏi. Hy vọng rằng với chính sách kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp, lòng tin của nhà đầu tư cá nhân sẽ phục hồi và tăng cường hơn nữa.
Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Mặc dù có hy vọng sự phục hồi khi lòng tin quay lại, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào từng phân khúc thị trường.
Để đối mặt với những thách thức và cơ hội này, chúng ta cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tiêu dùng và xuất khẩu, và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Cải cách thể chế và sửa đổi khung pháp lý cũng cần tiếp tục để tạo nên phát triển bền vững, và là nền tảng cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Ba nhóm giải pháp này sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc định hình hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024”.
Tổng quan đánh giá, TS. Võ Trí Thành cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam quý I và cả năm 2024 là tích cực dựa trên các chỉ số kinh tế tháng 1. Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro và thách thức phải đối mặt, bao gồm rủi ro địa chính trị toàn cầu và sự chậm lại của nền kinh tế thế giới. Để ứng phó với những rủi ro và thách thức này, chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, đồng thời thúc đẩy cải cách kinh tế và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.