Hôm nay, nhóm phóng viên chúng tôi đã đến làm việc với Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN) để tìm hiểu việc nộp lưu chiểu của các cuốn sách do công ty Đông A ‘độ’ bìa có thực hiện đúng Luật Xuất bản hay không? Người đại diện của Thư viện đã chính thức xác nhận tất cả các sách “độ” bìa của Công ty Đông A đã không được nộp lưu chiểu.
“Đến nay, Thư viện Quốc gia đã nhận được lưu chiểu các bản sách bản thông thường của Công ty Đông A liên kết với NXB Văn Học”, ông Doãn Anh Đức, trưởng phòng Lưu chiểu TVQGVN nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nhận được các bản sách ‘độ’ bìa loại đặc biệt của Công ty Đông A”.
Thư viện Quốc gia Việt Nam đã cung cấp một danh mục các loại sách gồm tổng cộng 19 tên sách (tính cả tái bản là 22 tên sách) nhưng tất cả chỉ là những bản sách thông thường.
Việc vi phạm các quy định về lưu chiểu của Công ty Đông A đã được xác nhận rất rõ ràng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc công ty này thực hiện việc “độ” sách để kinh doanh nhưng không đăng ký xuất bản. Họ “trốn” nộp lưu chiểu bởi nhẽ “Có đăng ký xuất bản sách đặc biệt đâu mà tự nhiên đem nộp!”. Để xác minh thêm sai phạm về giấy phép xuất bản. Chúng tôi đã đến tìm hiểu tại một số nhà xuất bản có liên kết xuất bản với Đông A. Thông tin thu được từ các đơn vị này không có gì bất ngờ khi tất cả đều xác nhận giống nhau là: Công ty Đông A có xin phép xuất bản các sách thông thường nhưng sách ‘độ’ bìa thì không.
Đây là những vi phạm do một mình Công ty Đông A làm, biết sai mà vẫn làm. Nhà xuất bản Văn học tuy có trách nhiệm khi liên kết cấp phép cho Đông A nhưng không có lỗi cố ý! Bởi Đông A là công ty sách chuyên nghiệp, hiểu rõ luật, và khi xuất bản thêm hàng nghìn cuốn sách ‘độ’ bìa đã không đăng ký xuất bản và không thực hiện báo cáo cũng như nộp lưu chiểu cho NXB cấp phép.
Khi sai phạm đã rõ ràng, dư luận và bạn đọc cả nước sẽ quan tâm đến việc Cục Xuất bản sẽ xử lý việc này ra sao, xử phạt có tính răn đe hay không?
Nhiều sai phạm về sách ‘độ’ bìa có thể khiến Đông A bị phạt gần 2 tỷ đồng!
Thống kê trong 2 năm qua, Công ty sách Đông A đã xuất bản khoảng 19 tên sách ‘độ” bìa thuộc loại S100 và S500, số lượng in hàng nghìn bản. Đấy là chưa tính đến các loại S khác như S50, S80 và S365 - con số có lẽ hơn 19!
Các sai phạm về giấy phép, lưu chiểu, bìa sách, giá bán sẽ cho ra số tiền phạt ước tính 100 triệu đồng/1 tên sách. Vậy tổng số tiền phạt cho cả 19 cuốn sách sẽ là 1,9 tỷ đồng. Số tiền phạt này cũng không có gì là quá lớn đối với doanh thu nhiều tỷ đồng của Đông A do bán sách ‘độ’ bìa mang lại.
Tôi tin rằng không thể có chuyện Cục Xuất bản sẽ chỉ xử phạt 1-2 tên sách cho qua loa, lấy lệ. Nếu làm vậy, uy tín của cơ quan quản lý nhà nước sẽ bị hạ thấp, và nảy sinh những nghi ngờ cho bạn đọc đem lại dư luận xấu cho cả nước.
Tục ngữ Việt Nam có câu: ‘Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, ý nói trong một vụ án, người phạm tội sẽ cố gắng ‘hối lộ” để xin nhẹ tội, còn các quan chức xử phạt khi nhận tiền sẽ xử nhẹ đi so với tội trạng thực. Nghi vấn này sẽ được làm sáng tỏ khi Cục Xuất bản công khai quyết định thanh tra xử phạt công ty Đông A. Nhìn vào quyết định xử phạt đó, dư luận, báo chí cả nước sẽ đánh giá được thái độ và quan điểm của các nhà quản lý xuất bản đối với những sai phạm của Đông A.
Khi xử phạt cũng cần lưu ý rằng về “lý” và “tình”. Cơ quan quản lý có thể xử phạt hành chính đối với Đông A nhưng không thể xử phạt theo luật hình sự. Bởi nhẽ với mỗi cuốn sách đặc biệt họ chỉ in số lượng dưới 1000 bản (Điều 334 Luật Hình sự quy định in 2000 bản trở lên). Và bản chất việc ‘độ’ bìa là làm đẹp cho sách, không liên quan đến các vi phạm nghiêm trọng về tư tưởng, chính trị, bí mật quốc gia...
Những cuốn sách ‘độ’ bìa mới rộ lên khoảng 2 năm trở lại đây. Điều này khá mới mẻ đối với độc giả cả nước, cơ quan quản lý, cũng như so với chiều dài của lịch sử ngành xuất bản Việt Nam. Sự việc của Đông A khiến chúng ta phải suy ngẫm, tìm cách quản lý mới đối với các loại sách đặc biệt sao cho phù hợp với thực tiễn hơn. Giải pháp dưới đây có thể sẽ mang lại vài phần hữu ích:
Chỉ cần 1 giấy phép xuất bản, chứa nhiều nội dung sẽ phù hợp với quản lý sách “độ” bìa.
Một cuốn sách ‘độ’ bìa có thể có nhiều loại khác nhau như S50, S100, S500, S365, S80. Với 5 loại sách này nếu phải nộp 5 giấy đăng ký xuất bản, rồi sau đó lại đợi 5 quyết định xuất bản sẽ làm cho các quy trình trở nên rườm rà, gây mất thời gian cho doanh nghiệp cũng như Nhà xuất bản. Đấy là chưa kể đến trường hợp S50 lại làm 50 kiểu bìa có màu sắc, bố cục hoa văn khác nhau. Chả nhẽ cũng cần tới 50 quyết định xuất bản!?
Vậy chỉ cần 1 giấy đăng ký xuất bản và 1 quyết định xuất bản là đủ cho tất cả. Các loại sách thông thường rất dễ phân biệt nhưng các sách đặc biệt sẽ cần thêm phụ lục đính kèm, có hình ảnh in màu minh họa. Mỗi loại sách S cần ghi rõ số đo cụ thể về: kiểu dáng, kích thước, trọng lượng, chất liệu bìa, chất liệu giấy, cỡ chữ, màu sắc, hoa văn, (Lưu ý: sách cùng một loại S phải giống nhau tất cả các yếu tố trên. Nhưng riêng màu sắc có thể khác nhau và hoa văn tuy cùng 1 kiểu nhưng có thể bố cục vị trí khác nhau).
Có thể hình dung sơ bộ giấy đăng ký xuất bản như sau:
VD: giấy đăng ký cuốn Napoleon Bonaparte cho bản thường bìa cứng, bìa mềm; bản đặc biệt S100 và S500.
- Sách Napoleon Bonaparte bản thông thường, bìa mềm, giá bìa 200.000đ, số lượng in 3000 cuốn.
- Sách Napoleon Bonaparte bản thông thường, bìa cứng in 3000 cuốn, giá bìa 300.000đ, số lượng in 1000 cuốn.
- Sách Napoleon Bonaparte bản đặc biệt S500, bìa cứng hoa văn, màu sắc (phụ lục ảnh màu đính kèm), giá bìa 2000.000đ, số lượng in 500 cuốn.
- Sách Napoleon Bonaparte bản đặc biệt S100, bìa cứng hoa văn, màu sắc (phụ lục, ảnh màu đính kèm), giá bìa 5.000.000 đ, số lượng in 100 bản.
Khi các thủ tục xuất bản một cuốn sách càng đơn giản, dễ hiểu bao nhiêu thì càng giúp cho công ty liên kết tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí bấy nhiêu. Họ có cơ hội phát hành cuốn sách đúng thời điểm vàng trong kinh doanh. Ngành sách từ đó cũng khởi sắc và phát triển hơn với những ấn phẩm ‘độ’ bìa đúng luật. Bạn đọc gần xa muốn đọc những cuốn sách đặc biệt mà không muốn mua cũng có thể đến thư viện để mượn về.
Thực tế của việc kiểm tra lưu chiểu sách hiện nay đã xuất hiện những bất cập. Đó là việc ghi thông tin trên tờ “xi nhê” của sách chỉ vỏn vẹn câu: “In xong và nộp lưu chiểu năm 2021”. Khi không ghi ngày và tháng nộp lưu chiểu sẽ tạo ra kẽ hở cho những sai phạm. Các công ty liên kết sẽ dựa vào đó để ‘lách’ nộp lưu chiểu đúng thời gian quy định. Bởi rất khó tính mốc 45 ngày sau khi phát hành sách phải nộp cho thư viện quốc gia; 10 ngày trước khi phát hành phải nộp cho Cục Xuất bản. Đây là điều các nhà quản lý xuất bản Việt Nam cần chú ý để những nghị định và thông tư về xuất bản không trở thành vô dụng trước việc ghi thông tin không cụ thể trên trang “xi nhê”. Không quan tâm đến một cái đinh ở móng sẽ làm hỏng cả con ngựa.