Theo chuyên gia Mark Gurman của Bloomberg, chiến lược này được Tim Cook áp dụng lần đầu khi Bob Mansfield, một kỹ sư chủ chốt của Apple, có ý định rời công ty ngay sau khi Steve Jobs qua đời. Nhận thấy sự ra đi của Mansfield có thể gây ra sự bất ổn trong mắt các cổ đông, Cook đã thuyết phục ông ở lại với lời hứa về một khoản lương thưởng hậu hĩnh. Mansfield đã chấp nhận ở lại, nhưng chỉ tham gia một số dự án cụ thể, như Apple Car, mà không phải làm việc nhiều.
Chiến thuật này tiếp tục được áp dụng vào năm 2015 với nhà thiết kế nổi tiếng Jony Ive. Khi Ive muốn rời Apple, Cook đã giữ chân ông bằng cách cho phép làm việc chỉ 1-2 ngày mỗi tuần, đồng thời trả lương cao. Dù Ive chính thức rời công ty vào năm 2019 để thành lập doanh nghiệp riêng, Apple vẫn khẳng định rằng ông tiếp tục đóng góp cho các dự án quan trọng.
Phil Schiller, Phó chủ tịch phụ trách marketing của Apple, cũng là một ví dụ điển hình khác. Để giữ Schiller, Apple đã tạo ra danh hiệu "Apple Fellow", một chức danh danh dự dành cho những cá nhân có đóng góp lâu dài và quan trọng cho công ty. Schiller hiện tại vẫn quản lý App Store dưới danh nghĩa này.
Gần đây nhất, chiến thuật này lại được áp dụng với CFO Luca Maestri, người dự kiến rời khỏi vị trí vào năm tới. Tuy nhiên, Maestri đã được mời ở lại để tiếp tục đóng vai trò cố vấn cho Tim Cook.
Chiến lược của Cook đã giúp Apple duy trì được sự ổn định và tránh được những bất ổn tiềm ẩn từ việc mất đi những nhân sự quan trọng, đồng thời bảo vệ hình ảnh của công ty trước công chúng và các nhà đầu tư.