Năm nay, dự kiến có hơn 887.000 thí sinh cả nước tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 với gần 38.050 phòng thi; 1.980 điểm thi. Trong đó, có 233.977 thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học (chiếm 26,38%); 622.925 thí sinh thi đăng ký để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm 70,22%); 30.202 thí sinh chỉ đăng ký để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 3,04%).
Ngày 24/6, buổi sáng 8h tại các điểm thi sẽ họp cán bộ làm công tác coi thi. Buổi chiều, thí sinh đến điểm tập trung nghe phổ biến quy chế, chỉnh sửa sai sót thông tin (nếu có) lần cuối để chuẩn bị cho môn thi đầu tiên vào ngày mai (25/6).
Các thí sinh sẽ thi ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; Lịch sử, Địa lý với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên), trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được Bộ xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là công việc chuyên môn của ngành mà còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm với xã hội. Đề thi THPT quốc gia 2019 được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.
Sau bê bối gian lận thi cử năm 2018, năm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra. Trong đó, một số thay đổi như: ĐH, CĐ phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, GDTX thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT…
Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi. Đặc biệt, để tránh việc can thiệp vào các bài thi, năm nay Bộ tiến hành “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm nhằm tăng cường tính bảo mật, có thể phát hiện và truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi bốn bài (ba bài độc lập và một trong hai bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn). Thí sinh giáo dục thường xuyên phải dự thi hai bài Toán, Ngữ văn và một bài tổ hợp tự chọn.
Thí sinh có thể chọn đăng ký thi cả hai bài tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, khi đã đăng ký, các em phải làm đủ hai bài, nếu bỏ một trong hai sẽ không được xét. Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể chọn đăng ký dự thi cả bài Ngoại ngữ để dùng điểm xét tuyển cao đẳng, đại học, trung cấp.
Hội đồng thi công bố và thông báo điểm thi cho thí sinh vào ngày 14/7. Kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ được công bố chậm nhất vào ngày 18/7. Trước 9/8, các Sở GDĐT phải gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT chính thức về Văn phòng Bộ Giáo dục Đào Tạo.