Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho biết: “Một năm trở lại đây, chúng ta có hy vọng vào FTA mới, FTA có quy mô lớn nhất toàn cầu với các đối tác thương mại đầu tư hàng đầu thế giới. RCEP mở ra cho nền kinh tế Việt Nam, cho các doanh nghiệp của chúng ta những cơ hội đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khó khăn này".
RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, bởi đây là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand), chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Hơn nữa, RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam: thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%); đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Hiệp định RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19. Hiệp định nay mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các DN Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, Giám đốc quốc gia Chương trình Aus4Reform nhấn mạnh, việc ký kết RCEP là kết quả Việt Nam đạt được sau hơn 07 năm kể từ phiên đàm phán đầu tiên. Ý tưởng về RCEP được hình thành trong bối cảnh gia tăng, nỗ lực tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thời kỳ 2008-2009.
Từ đầu năm 2020, CIEM đã thực hiện nghiên cứu về tính hiệu quả của RCEP gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam và công bố báo cáo trong khuôn khổ Chương trình Aus4Reform vào tháng 01/2021. Sự chuẩn bị, đồng lòng và quyết tâm thực hiện của doanh nghiệp là điều rất quan trọng để hiện thực hóa những cơ hội từ việc hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định RCEP nói riêng. Doanh nghiệp cần nắm rõ nội dung cơ bản của Hiệp định RCEP và trên cơ sở đó, tính toán thành cơ hội, thách thức cụ thể cho chính doanh nghiệp của mình.
Theo các chuyên gia, với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, các chuyên gia cho rằng, trước hết doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này. Thực tế thực hiện 14 FTA đã có hiệu lực của Việt Nam cho thấy một trong những lý do mà nhiều cơ hội FTA đã bị bỏ lỡ là do các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về các cam kết FTA.
Về thực trạng DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, một khảo sát của VCCI được thực hiện hồi năm 2020 cho thấy, tỉ lệ DN hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các DN Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Các cam kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như RCEP thường không dễ tìm hiểu do số lượng các cam kết đồ sộ, nội dung phức tạp.
Do đó, trong thời gian tới đây, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về cam kết của Hiệp định RCEP liên quan đến các ngành, lĩnh vực cụ thể với mức độ sâu hơn, đầy đủ hơn. Từ đó, từng ngành, từng DN đều được chuẩn bị hành trang kỹ càng cho việc hiện thực hóa các cơ hội của FTA đầy tiềm năng này.
Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương đã trình bày dự báo một số tác động của RCEP tới nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, một số cơ hội có được từ RCEP là RCEP có thể giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập quốc gia ngay cả trong kịch bản tự do hóa toàn diện (CIEM 2015); có tác động tạo thương mại chứ không chỉ là chuyển hóa thương mại; gia tăng đầu vào có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu; tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu,…
Bên cạnh đó, RCEP cũng có một số thách thức về thương mại như nhập siêu từ các nước thành viên trong RCEP, khó khăn trong việc ứng phó với các rào cản, quy định mới, … Để thực hiện hiệu quả RCEP, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng cần phải hài hòa giữa chính sách công nghiệp - đầu tư - thương mại; không tách rời với các hiệp định tự do đã có như CPTPP, EVFTA và ứng phó với dòng vốn đầu tư nước ngoài dựa trên tiêu chuẩn.
Trước mắt, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế có các mặt hàng sử dụng nhiều lao động chi phí thấp như: Nông sản, dệt may, hàng công nghiệp điện tử và linh kiện... cho nên cơ hội gia tăng xuất khẩu rất lớn. Việt Nam có khoảng 90% DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên có cơ hội lớn để phát triển. Bên cạnh đó, các DN hay tập đoàn quy mô lớn cũng có cơ hội mở rộng mạng lưới hoạt động thương mại và đầu tư sang các nước trong RCEP.
Theo dự tính, các nền kinh tế RCEP có quy mô 2,2 tỉ người - khoảng 30% dân số thế giới và là thị trường tạo ra 26.200 tỉ USD sản lượng toàn cầu - tương đương 30% của nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, các DN Việt Nam cần phải tận dụng tốt cơ hội này.
Tại Hội thảo, VCCI cũng công bố Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định EVFTA” - ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về các cam kết quan trọng của RCEP cho doanh nghiệp.