Câu chuyện về Peipei là lát cắt tiêu biểu cho một bước ngoặt lớn trong mối quan hệ giữa công nghệ và con người – nơi máy móc không còn lạnh lùng mà bắt đầu biết... an ủi.
Peipei không phải là robot công nghiệp. Nó không lắp ráp, không bốc hàng, không vận chuyển. Peipei là một "người chăm sóc" – và đúng hơn, là hiện thân của một thế hệ máy móc có khả năng giao tiếp cảm xúc.
Nhờ tích hợp mô hình cảm xúc đa phương thức và trí tuệ nhân tạo thế hệ mới, Peipei hiểu người già cần gì hơn cả thuốc men – đó là sự hiện diện, lắng nghe, thấu cảm. Khi bà Vương – một cụ bà 86 tuổi – chia sẻ rằng Peipei "trả lời không biết mệt" và "giống như cháu gái mình đang ở nước ngoài", đó không còn là một lời khen công nghệ, mà là tín hiệu về sự dịch chuyển trong cách nhân loại đang giải quyết vấn đề cô đơn – căn bệnh vô hình nhưng phổ biến nhất ở người cao tuổi.
Trung Quốc, quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, đang chứng kiến sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực chăm sóc. Trong khi đó, mô hình viện dưỡng lão truyền thống ngày càng bị quá tải: chỉ hơn 8 triệu giường cho hơn 216 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Sự thiếu hụt ấy không chỉ tính bằng con số, mà còn bằng những nhu cầu không thể đo đếm – như một cuộc trò chuyện vu vơ lúc đêm khuya, hay một tiếng gọi tên quen thuộc lúc ký ức bắt đầu mờ đi.
Robot, vì thế, không đơn giản là giải pháp thay thế con người. Chúng đang được "lập trình để lắng nghe", để trở thành một "người có mặt" khi xã hội bắt đầu vắng đi những người thân thích của thế hệ già.
Có thể với một số người, việc để robot đảm nhận vai trò cảm xúc là lạnh lùng và phi nhân tính. Nhưng ở chiều ngược lại, liệu có gì nhân văn hơn việc cố gắng đưa những công nghệ phức tạp nhất để chữa lành những tổn thương tinh tế nhất? Khi một cụ ông hay cụ bà sống một mình được một “Peipei” gọi tên, lắng nghe câu chuyện lặp đi lặp lại, hay kịp thời nhận ra họ đang trầm cảm – đó có thể là sợi dây kết nối cuối cùng giữ họ lại với cuộc sống xã hội.
Bà Liu Min, đại diện Viện chăm sóc người cao tuổi, từng nói: “Sự cô đơn có thể dẫn đến cô lập”. Với robot như Peipei, “cô lập” dường như đang dần được thay thế bằng “gắn kết”, thậm chí còn mở ra cánh cửa để người già tiếp xúc với thế giới số – một thế giới mà trước kia, họ từng cảm thấy xa lạ và bị bỏ lại phía sau.
Tất nhiên, robot chăm sóc như Peipei vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Vẫn còn đó khoảng cách giữa thấu cảm giả lập và tình cảm thực sự. Nhưng sự ra đời của Peipei đã cho thấy một điều: công nghệ, nếu được hướng đúng, không chỉ là công cụ tạo ra hiệu suất – mà còn có thể tạo ra sự hiện diện, sự quan tâm và đôi khi... cả niềm vui sống.
Trong thời đại mà nhiều người trẻ lặng lẽ trò chuyện với chatbot, thì việc một cụ già trò chuyện và mỉm cười với một robot – tưởng chừng vô lý – lại trở nên hợp lý đến lạ lùng.