Thuế là một lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế bởi tầm ảnh hưởng rộng, liên quan đến tất cả các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Những Hội thảo về thuế luôn thu hút và nhận được đông đảo ý kiến phải hồi đa chiều của các chuyên gia kinh tế cũng như quản lý nhà nước.
Cuộc hội thảo sáng nay do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) phối hợp tổ chức cũng nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của những quy định trên lĩnh vực thiết yếu này. Dự thảo Thông tư được thực hiện theo Quyết định số 936/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý Thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách công, Tổng Cục Thuế đã nêu rõ tư tưởng trong cách làm dự thảo lần này: “Nếu Luật và Nghị định đã quy định rồi thì Thông tư không nhắc lại nữa”.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ kê khai và Kỷ luật, Tổng Cục thuế phát biểu khẳng định: “Những hướng dẫn trong thông tư rất rõ ràng, doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện theo”.
Nhưng sự dễ dàng không hề đến mà xuất hiện sự khó hiểu, thiếu hụt quy định cần thiết.
“Thông tư chỉ hướng dẫn những gì Luật và Nghị định chưa quy định. Vô hình chung, cách làm này không mang lại thuận lợi cho người nộp thuế”, Bà Nguyễn Thị Cúc Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế phát biểu: “Như vậy, Doanh nghiệp muốn tìm hiểu 1 vấn đề gì sẽ phải nghiên cứu cả 3 văn bản gồm: Luật, Nghị Định, Thông tư cùng một lúc để xem nội dung nằm ở đâu? Và những quy định cũng không dễ hiểu như tinh thần đã nêu của cơ quan soạn thảo”.
“Trong nghị định 126 quy định tạm nộp thuế thu nhập theo quý. Nếu 3 quý đầu, doanh nghiệp không nộp đủ 75% thì sẽ bị phạt. Điều này rất khó vì nhiều khi đến quý 4 doanh nghiệp có thể đạt doanh thu bằng 50%, 90% của cả năm nên không thể chia đều 25% cho mỗi quý ngay từ đầu năm”.
“Vấn đề này nằm nhiều ở lĩnh vực kinh doanh theo mùa vụ đặc biệt những dịp cận Tết, doanh thu thường lớn hơn nhiều so với các quý trước,” bà Cúc nói.
Phạm Thu Trang Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn EY Việt Nam đã nêu bật những vướng mắc của doanh nghiệp đối với dự thảo Thông tư. Đặc biệt là những điều bị “lờ” đi.
“Một số điểm quan trọng liên quan đến người nộp thuế không được đề cập đến trong thông tư như ‘Tỷ giá tính thuế nhà thầu’, bà Trang nói: “Vấn đề này đã có nhiều văn bản quy định nhưng rất trái chiều nhau nên rất cần được đề cập để giải quyết dứt điểm”.
“Vấn đề ‘hoàn thuế khi doanh nghiệp giải thể’ cũng không có trong Thông tư. Nghĩa là doanh nghiệp muốn giải thể lắm rồi nhưng cơ quan thuế cứ mặc kệ!”, Bà Trang phát biểu: “Tôi biết có những doanh nghiệp nằm chờ 2 năm cũng không được giải quyết. Trong khi họ rất cần làm thủ tục hoàn thuế tại thời điểm giải thể thì cơ quan quản lý thuế không có quy định về thời gian xử lý. Và Doanh nghiệp rất thiệt thòi trong việc này, biết chờ đến bao giờ?!”
“Việc ‘chấm dứt mã số thuế’ của doanh nghiệp cũng không có quy định về thời hạn giải quyết. Doanh nghiệp rơi vào tình thế bị bỏ rơi”, bà Trang nói thêm.
Ngoài sự thiếu hụt những quy định có lợi cho doanh nghiệp kể trên, tâm điểm của sự ‘khó hiểu’ nằm ở thuật ngữ ‘địa điểm kinh doanh’.
Bà Hà Thị Tường Vy đại diện Chi Hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) nêu băn khoăn: Đề nghị làm rõ cụm từ ‘Địa điểm kinh doanh’ và phân biệt khái niệm đó với các hình thức như: Chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc, đơn vị phụ thuộc...
“Trong thời dịch Covid -19 như thế này, nếu người ta mang việc về nhà làm thì có thể coi đó là một địa điểm kinh doanh hay không?”, Bà Tường Vy đặt câu hỏi.
Việt Nam đã gia nhập kinh tế thị trường và ký kết nhiều hiệp định thương mại với quốc tế. Những dự thảo thay đổi về chính sách trong nước luôn thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài. Một đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) đã bày tỏ những quan ngại về nội dung của thông tư mới và hy vọng những chính sách của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới trở nên phù hợp hơn.
“Chúng tôi quan tâm chính đến nội dung chương 9. Những quy định mới trong chương này tạo ra sự phức tạp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế khấu trừ và địa điểm kinh doanh,” Đại diện Amcham phát biểu: “Trong khi đó, thông tư chưa giải quyết được những vấn đề còn trùng lặp giữa các Hiệp định thuế khác nhau mà Việt Nam đã tham gia ký kết”.
“Điều 3 về khái niệm ‘Hoạt động thương mại điện tử và Kinh doanh trên nền tảng số’ cũng làm tôi băn khoăn. Các khái niệm này là quá rộng! Chúng tôi hy vọng những quy định trong thông tư này không đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế, các hiệp định đã ký kết và các luật trong nước đã ban hành. Chúng tôi muốn biết kế hoạch của Việt Nam sẽ như thế nào khi chúng ta đạt được giải pháp chung toàn cầu về áp thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số.
“Liên quan đến trách nhiệm của nhà cung cấp nước ngoài đối với việc đăng ký kê khai và nộp thuế, chúng tôi rất mong chính phủ làm rõ vị thế của quy định hiện tại liên quan đến thuế nhà thầu nước ngoài với dự thảo thông tư này. Tính hợp lý của 2 văn bản này cái nào hơn để chúng ta có thể áp dụng một cách nhất quán”, đại diện Amcham nói.
Việc soạn thảo những chính sách gần đây, theo tinh thần đổi mới đã được các cơ quan nhà nước cố gắng nghiên cứu theo hướng tránh “mâu thuẫn, chồng chéo, đẻ thêm nhiều giấy phép con”... Nhưng để chính sách trở nên hiệu quả, hợp lý khi áp dụng vào thực tiễn cần phải dễ hiểu và quy định đầy đủ hơn. Đặc biệt là những quy định có lợi cho hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp – có lợi cho những tế bào xây dựng nên nền kinh tế của đất nước.