Ngày 15/11, ông Boris Johnson thông báo đã được yêu cầu phải tự cách ly trong 2 tuần sau khi nhà lập pháp Lee Anderson, người đã tham dự cuộc họp kéo dài 35 phút với ông vào ngày 12/11, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trước đó, vào tháng 3/2020, Thủ tướng Johnson đã mắc COVID-19. Vào thời điểm đó, ông đã nỗ lực vượt qua căn bệnh, đeo mặt nạ dưỡng khí trong phòng chăm sóc đặc biệt và phải nghỉ việc trong gần một tháng.
Hiện nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tự cách ly và khẳng định sẽ không để bất cứ công việc nào bị gián đoạn. Toàn bộ cuộc họp sẽ được tiến hành trực tuyến qua Zoom từ số 10 phố Downing, kể cả họp nội bộ, đàm phán nước rút với quan chức EU về thỏa thuận thương mại.
"Tôi đang cảm thấy rất tuyệt. Còn rất nhiều điều để chia sẻ qua Zoom và các phương tiện giao tiếp điện tử khác" – nhà lãnh đạo Anh mỉm cười và nói trong đoạn video đăng tải trên mạng xã hội Twitter.
Ông Johnson cũng tìm cách trấn an các nhân viên của mình, nhắc lại rằng ông sẵn sàng giải quyết những ưu tiên của chính phủ bao gồm đại dịch Covid-19 và chương trình nghị sự. Đồng thời, nhà lãnh đạo Anh gửi lời cảm ơn cấp dưới vì công việc khó khăn mà họ đang gánh vác.
Như vậy, ông Johnson sẽ phải chỉ đạo nước Anh vượt qua đợt bùng phát COVID-19 mới nguy hiểm tại châu Âu cũng như thực hiện các biện pháp ngoại giao cần thiết để đạt được thỏa thuận thương mại Brexit qua Zoom.
Theo Hãng tin Reuters, trong ngày 15-11 Anh ghi nhận 24.962 ca bệnh mới, giảm so với 26.860 ca mới của ngày trước đó.
Dù vậy, với hơn 1,3 triệu ca mắc, trong đó gần 52.000 người đã chết cho tới nay theo số liệu của trang Worldometers, Anh vẫn là một trong những nước bị ảnh hưởng dịch nặng nhất châu Âu.
Trên khắp châu Âu, làn sóng Covid-19 thứ hai bắt đầu có dấu hiệu chậm lại nhưng các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan. Theo đài CNBC, nhiều nước châu Âu vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai kể từ tháng 9. Tuy nhiên, những con số mới nhất cho thấy số ca nhiễm ở Đức, Tây Ban Nha và Ý đang ổn định, còn Bỉ, Pháp và Hà Lan có sự sụt giảm.
Vào tháng 10, các chính phủ ở châu Âu đề ra lệnh phong tỏa và hạn chế xã hội cứng rắn để ngăn chặn đại dịch lây lan.