Cụ thể, Tài khoản Wechat của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/3 chính thức công bố mẫu giấy chứng nhận y tế quốc tế phục vụ cho hoạt động di chuyển quốc tế đối với công dân nước này.
Chính quyền Trung Quốc kỳ vọng tới cuối tháng 7 có thể tiêm vắc xin được 40% dân số, tăng đáng kể so với tỉ lệ 3,56% hiện nay, theo số liệu do chuyên gia Chung Nam Sơn, lãnh đạo Ủy ban Nghiên cứu và phát triển vắc xin COVID-19 của Trung Quốc, công bố gần đây.
Động thái này cho thấy, Trung Quốc tới đây có thể sẽ nới lỏng một số quy định hạn chế đi lại với những đối tượng chứng minh được rằng họ miễn nhiễm SARS-CoV-2 hoặc không bị nhiễm chủng virus này. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng.
Giấy chứng nhận sẽ được cấp theo cả hai định dạnh điện tử và văn bản giấy, chứa đựng thông tin về tên tuổi, kết quả xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm PCR và tình trạng tiêm vaccine ngừa COVID-19 của người được cấp. Chứng nhận bản điện tử sẽ có mã QR bảo mật, giúp cơ quan chức năng nước khác xác nhận tính xác thực và đọc thông tin cá nhân. Từ bản điện tử cũng có thể dễ dàng in ra bản giấy.
Tương tự, EU trong tháng này dự kiến trình bày các đề xuất về một loại "thẻ đi lại số hóa" cho các công dân EU. Loại thẻ này sẽ xác định cụ thể một người nào đó đã được tiêm vắc xin COVID-19 hay chưa, hoặc nếu chưa tiêm thì cũng cung cấp thông tin chi tiết về các kết quả xét nghiệm COVID-19 mới nhất của họ.
Báo Wall Street Journal cho biết các lãnh đạo EU ước tính cần phải mất ba tháng để đưa chương trình "hộ chiếu vắcxin" vào hoạt động. "Mục tiêu là dần dà sẽ giúp các công dân EU có thể di chuyển an toàn trong khối hoặc ra nước ngoài làm việc hoặc du lịch", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Trong xu thế ủng hộ "hộ chiếu vắc xin" lan rộng tại châu Âu, chính quyền Anh dù ban đầu bác bỏ việc này song tuần trước đã nói đang cân nhắc lợi hại của sáng kiến này.
WHO tỏ ra thận trọng
Về phía những người ủng hộ, "hộ chiếu vắc xin" sẽ giúp nối lại việc đi lại vì công việc và du lịch, từ đó giúp các nền kinh tế có thể tự đứng dậy sau khủng hoảng.
Không ngạc nhiên khi những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ nhất "hộ chiếu vắc xin" là các hãng hàng không và các quốc gia có nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào du lịch. Những nước này đều đang nỗ lực và tìm mọi phương cách để có thể "bình thường hóa" việc đi lại quốc tế sớm nhất vào mùa hè năm nay.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự kiến tháng này ra mắt một ứng dụng để hành khách tự tải lên đó ảnh chụp các tài liệu chứng thực đã tiêm vắc xin. Tất nhiên nhân viên IATA có thể xác minh những tài liệu này nếu thấy nghi ngờ. Chẳng hạn họ có thể liên hệ với cơ sở y tế đã tiêm vắc xin được nêu trong tài liệu chứng thực của hành khách.
Kể từ mùa thu năm ngoái, IATA đã cố gắng thuyết phục WHO ủng hộ đề xuất của họ, tuy nhiên mọi sự dường như chưa suôn sẻ.
Mỹ chần chừ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa nói rõ sẽ đưa vấn đề tiêm chủng vắc xin COVID-19 vào các yêu cầu kiểm soát đi lại của Mỹ hay không. Cho tới nay, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ vẫn chưa phát văn bản hướng dẫn về vấn đề này. CDC cho biết hiện chưa có các tiêu chuẩn quốc tế về việc tiêm vắc xin hay tài liệu chứng thực tiêm vắc xin.