Tin VEIA
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Đưa chính quyền gần dân, gần doanh nghiệp hơn"
Hạnh Vy - Thứ Hai, 27/09/2021 2:02 CH
Vietnet24h - Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương.

Các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về việc cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Mở cửa an toàn, Việt Nam sẽ không để đại dịch “kìm chân”

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, cùng chung bối cảnh với thế giới, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Với cách tiếp cận mới của Thủ tướng Chính phủ, ông Công đề xuất trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp; bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện thích ứng với dịch.

“Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp”, ông Công đề xuất. 

Để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Thủ tướng. Trong đó, ông Công đặc biệt nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng về vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ các nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường”, ông Công nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Theo Báo cáo khảo sát của VCCI, 91,5% số doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; 81% số doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã bảo đảm hiệu quả.

Tuy nhiên, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ.

Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh, những kết quả trong phòng chống dịch vừa qua từ sự chuyển hướng chiến lược theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở bước đầu vững chắc để Chính phủ quyết định khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhưng mở cửa không có nghĩa là chủ quan, là mất an toàn. Ngược lại, chính vì chúng ta thấy đã an toàn và có cơ sở để duy trì và nâng cao hơn nữa sự an toàn này nên chúng ta mới đặt vấn đề mở cửa.

Ông Lộc đề xuất, hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải quy định rõ nguyên tắc nền tảng mà Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được phép đẻ thêm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép phát sinh bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào. Trong Công điện số 1102 ngày 23/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp…

“Các địa phương phải vừa bảo đảm phòng chống được dịch bệnh, vừa cố gắng duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, trong điều kiện có thể, để lo sinh kế cho dân. Khen chê, thưởng phạt cán bộ và các cấp chính quyền cần dựa trên tiêu chí kép này”, ông Lộc đề xuất.

“Những vấn đề chúng ta thảo luận ngày hôm nay và đặc biệt là kết luận của Thủ tướng tại hội nghị này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho quốc dân đồng bào cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, rằng Việt Nam sẽ không để đại dịch kìm chân, virus sẽ không thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nền kinh tế, Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhiều kiến nghị, vướng mắc cụ thể cũng được các đại biểu đề cập tại Hội nghị. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề nghị sửa đổi điểm c, Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư; Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở để tháo gỡ ách tắc các dự án nhà ở có đất nông nghiệp hoặc có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở là những dự án quy mô lớn, nhưng 5 năm qua chưa được công nhận chủ đầu tư.

Ông cũng đề nghị quyết liệt thực hiện 2 chính sách nhà ở là Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ (đây là chính sách rất khả thi vừa được Chính phủ ban hành) và chính sách phát triển nhà ở xã hội; thí điểm ban hành chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp để góp phần phục hồi nền kinh tế đất nước trong điều kiện bình thường mới.

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp trả lời nhiều đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Trước đề nghị của đại biểu Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh về đầu tư, mở rộng các khu công nghiệp để chuẩn bị đón những dự án đầu tư mới, Thủ tướng cho biết: Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình để phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương chủ động thực hiện và tăng cường giám sát, kiểm tra. “Cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, cái gì vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Thủ tướng nói.   

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua trên địa bàn một số địa phương còn có hiện tượng ùn tắc lưu thông hàng hóa cục bộ do quy định chưa phù hợp của địa phương, dẫn đến tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận, người dân. Bộ đã có công điện chấn chỉnh và liên tục theo dõi tình hình. Ông đề nghị phải xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương nếu ban hành các quy định về lưu thông hàng hóa trái quy định chung.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, một trong những nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là giảm lãi suất. NHNN đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các cam kết về lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, cũng là an toàn cho cả nền kinh tế. Trong thời điểm hiện nay, vấn đề tiếp cận tín dụng là vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt nếu sử dụng hiệu quả cơ chế bảo lãnh thì sẽ hỗ trợ rất tốt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng.

Xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành y tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, chia sẻ của các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 tới nay, giữ vững và phát huy thành quả của 35 năm đổi mới.

Kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, chia sẻ của các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 tới nay, giữ vững và phát huy thành quả của 35 năm đổi mới.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá rất cao sự chia sẻ và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để công tác phòng chống dịch đạt kết quả trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hầu như tất cả các trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, vaccine và thuốc điều trị… phục vụ chống dịch đều phải nhập khẩu. Thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành y tế và phát triển ngành công nghiệp dược.

Thủ tướng ghi nhận các ý kiến phát biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện rất rõ khát vọng, mong muốn đất nước bình an, phát triển. Đây là điểm tựa rất quan trọng để chiến thắng dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.

Các đại biểu cũng đều thống nhất cao với chủ trương chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch tốt hơn. Muốn vậy, các giải pháp phải dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, kinh nghiệm thời gian qua và bài học của các nước.

Dành nhiều thời gian phân tích về các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Thủ tướng nêu rõ, nếu phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, nếu chẳng may bị nhiễm bệnh thì việc điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở sẽ giúp chữa trị hiệu quả, giảm được tử vong. “Có giải pháp phù hợp thì chúng ta yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh phải tránh hai khuynh hướng: chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan”, Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích ứng và sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời. Trong gần 2 năm qua, chúng ta đã có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ hơn về virus, về dịch bệnh, song đây là việc chưa có tiền lệ, việc ban hành hướng dẫn mới phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay.

Thủ tướng cho rằng: Một chính sách không thể phủ kín hết mọi góc cạnh của cuộc sống trên phạm vi cả nước, song hướng dẫn phải phù hợp tình hình, tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên từng địa bàn (như thôn, ấp, khu dân cư, xã, huyện, tỉnh, trong nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp…)

Việc phòng chống dịch vẫn phải dựa trên các trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine, ý thức của người dân. “Phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể nhưng phải quyết liệt, chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ huy, chính sách tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tổ chức thực hiện phải phân cấp, linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, có kiểm soát, nếu thay đổi khác với nguyên lý cơ bản thì phải báo cáo cấp trên trực tiếp”, Thủ tướng nêu rõ.

Nhắc lại những ví dụ gần đây trong việc giãn cách xã hội và xét nghiệm thần tốc tại Phủ Lý (Hà Nam), Phú Quốc (Kiên Giang)… Thủ tướng cho rằng đây là những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để giãn cách hợp lý, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác công - tư

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nhiều ý kiến tại hội nghị đề cập vấn đề cải cách và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng khẳng định đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược đang được Chính phủ, các bộ ngành hết sức quan tâm. Quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm. Mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách đó. Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách tại văn bản nào, điều khoản nào để cùng tháo gỡ.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn và doanh nghiệp, doanh nhân, người dân đến với chính quyền gần hơn. Chính phủ và các bộ ngành cũng đang tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp các ý tưởng, công nghệ và cả các sản phẩm cụ thể phục vụ công tác này.

Các cơ quan đang chủ động triển khai các nhiệm vụ theo Luật Đầu tư với phương thức đối tác công – tư, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các dự án hợp tác cụ thể. Theo Thủ tướng, về cơ bản, có thể triển khai hợp tác công tư trong tất cả các công việc, từ quản lý các tòa nhà, các công viên… Ông nêu ra một số lĩnh vực đang rất cần đẩy mạnh hợp tác công tư như đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, nâng cao năng lực hệ thống y tế… “Những gì người dân, doanh nghiệp làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước không làm”, Thủ tướng nêu rõ.

Về các chính sách với công nhân, Thủ tướng cho biết, dịch bệnh đã làm bộc lộ một số vấn đề như nhà ở cho công nhân, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân... Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan quan dứt khoát phải quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân, thực hiện đồng bộ khi quy hoạch, triển khai các dự án.

Về một số kiến nghị chính sách khác, Chính phủ và Quốc hội đang hết sức tích cực giải quyết, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục cùng chia sẻ trong điều kiện đất nước còn khó khăn, phải phát huy tinh thần đại đoàn kết, chung sức chung lòng để vượt qua khó khăn, thách thức.

“Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội; góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật; đầu tư tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác công tư, nhất là xây dựng hạ tầng chiến lược; góp ý thẳng thắn để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính; tham gia nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để chủ động ứng phó với mọi tình huống”, Thủ tướng phát biểu. 

Đề nghị các doanh nghiệp tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ và Quốc hội cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực sự, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn.

Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xử lý các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị theo các quy định của pháp luật và chủ trương, đường lối của Đảng, linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, không cứng nhắc, không cực đoan. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, quyết định. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc. Các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, lấy ý kiến của doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả hơn. Tập trung cải cách hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu, ách tắc, lắng nghe, tiếp thu, giải trình với các ý kiến góp ý.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian có hạn, công việc nhiều, nội dung khó, yêu cầu đòi hỏi cao nên trong một hội nghị không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, quan trọng nhất là các bên cầu thị, khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhau, phát hiện các vướng mắc để tiếp tục chung tay tháo gỡ trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đưa chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn; doanh nghiệp, người dân đến với chính quyền gần hơn. Với các giải pháp dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, chúng ta có thể yên tâm, tự tin để chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn trong phòng phòng dịch, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành y tế và phát triển ngành công nghiệp dược.
Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất Vietnet24h - Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Việc ban hành và triển khai Nghị quyết được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cộng đồng DN, người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất số DN phải tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên vinh dự đón Thủ tướng tới thăm Vietnet24h - Chiều ngày 3 tháng 9, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại và làm việc tại Khu công nghiệp Yên Bình.
Tin khác cùng chuyên mục
Tin đọc nhiều
Nỗ lực tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Vietnet24h - Để thúc đẩy ngành sản xuất điện tử Việt Nam phát triển đạt chất lượng cao và tăng cường trao đổi chuyên sâu, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện tử, Hội nghị “Sản xuất thông minh trong ngành điện tử: “Kết nối và phát triển chuỗi cung ứng” do Tạp chí Công nghệ mới Step by Step thuộc Nhà xuất bản Quốc tế ACT International phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Sắp diễn ra Hội thảo: Sản xuất thông minh trong ngành điện tử: Kết nối và Phát triển chuỗi cung ứng Vietnet24h - Hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp cùng Nhà xuất bản quốc tế ACT (Trung Quốc) và Tạp chí Điện tử Vietnet24h tổ chức vào ngày 08 tháng 8 năm 2024 tại Khách sạn Melia Hà Nội.
Hội thảo quốc tế IPC về Chất Lượng & Độ Tin Cậy Cao tại Việt Nam Vietnet24h - IPC (Institute of Printed Circuits) là Hiệp Hội Thương Mại Toàn Cầu cho Ngành Công Nghiệp Điện Tử thành lập vào năm 1957 tại Hoa Kỳ. Nay là một trong những tổ chức có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử của Mỹ và thế giới. IPC được Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) công nhận là Tổ Chức Phát Triển Tiêu Chuẩn.
Hội thảo: “Sáng tạo bền vững trong sản xuất điện tử, tự động hoá và hơn nữa”, thông điệp về sản xuất bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn Vietnet24h - Ngày 12 tháng 6 sắp tới sẽ diễn ra hội thảo “Sáng tạo bền vững trong sản xuất điện tử, tự động hoá và hơn nữa” do Công ty RX Tradex và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tổ chức tại Bắc Ninh.
Nhiều cơ hội giao thương được mở ra cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam và Trung Quốc Vietnet24h - Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị Thông minh (IEAE2024) được tổ chức từ ngày 23 đến 25 tháng 5 năm 2024 tại SECC TP. Hồ Chí Minh đã mở ra nhiều cơ hội giao thương, hợp tác kinh doanh, sản xuất giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Mời tham dự Hội thảo “Định hình một tương lai bền vững với các nhà sản xuất điện tử” Vietnet24h - Hội thảo sẽ mang đến những thông tin cập nhật về thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng và xu hướng tiêu dùng; Tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số trong sản xuất điện tử; Cập nhật các tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Âu, Mỹ đối với các nhà sản xuất thiết bị điện tử.
Đón xem Triển lãm Quốc tế Điện tử & Thiết bị Thông minh Việt Nam (IEAE): Nơi hội tụ của công nghệ thông minh tiên tiến nhất Vietnet24h - Triển lãm IEAE là triển lãm duy nhất trong lĩnh vực Điện tử & Thiết bị thông minh do Công ty VINEXAD (Bộ Công Thương) và Công ty CHAOYU EXPO đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng 5 sắp tới tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Sài Gòn (SECC), TP HCM.
Hội nghị Thượng đỉnh gia công hiệu suất cao ASEAN 2024: Phụ tùng ô tô, Điện tử và Tự động hóa lắp ráp Vietnet24h - Hội nghị quy tụ hơn 150 đại biểu, bao gồm các chuyên gia sản xuất, diễn giả chuyên môn trong lĩnh vực ô tô, xe máy, phụ tùng ô tô và linh kiện từ nước ngoài và Việt Nam như VASI, VEIA, Vinfast, TechMan Robot, ShareTech,… Sự kiện này không chỉ là cơ hội để các chuyên gia trong ngành chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ mới, quy trình sản xuất tiên tiến mà còn mở ra không gian cho các đại biểu mở rộng mạng lưới, tạo dựng mối quan hệ đối tác mới.
Chương trình kết nối doanh nghiệp tại Triển lãm Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam 2023 (IEAE) Vietnet24h - Để giúp các đối tác có nhiều cơ hội kinh doanh hơn, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp cùng Công ty Tổ chức Triển lãm Chaoyu và VINEXAD tổ chức một Chương trình kết nối doanh nghiệp đặc biệt dành cho các doanh nghiệp tham gia triển lãm, các doanh nghiệp hội viên VEIA và các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử.
Cơ hội kết nối với hệ sinh thái chuỗi cung ứng của Việt Nam tại ITAP 2023 Vietnet24h - Trong khuôn khổ Triển lãm Chuyên đối Công nghiệp 4.0 (ITAP2023), hoạt động kết nối với hệ sinh thái chuỗi cung ứng ngành công nghiêp điện tử Việt Nam được diễn ra với phiên kết nối giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Singapore đã tạo tiếng vang lớn và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà triển lãm, các cơ quan chính phủ, các hiệp hội, người mua, người bán và khách tới thăm quan tại ITAP 2023.
JS VTB GÂY ẤN TƯỢNG ĐẶC BIỆT TẠI VIETNAM MOTOR SHOW 2024 Vietnet24h - Tại sự kiện, Công ty Cổ phần JS VTB giới thiệu hàng loạt sản phẩm, thiết bị công nghệ , giải trí dành cho Ô tô chất lượng cao, mẫu mã đẹp thu hút đông đảo khách tham quan.
VIETTRONICS TÂN BÌNH – KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN TỬ VÀ CÔNG NGHỆ TIÊU DÙNG Vietnet24h - Ngày 29/08/2024, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, Công ty cổ phần Viettronics Tân Bình (VTB) đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong sự kiện “Ngày hội Kết nối Thương hiệu”, một sân chơi uy tín dành cho các doanh nghiệp trong Khối các cơ quan Trung ương tại TP. HCM.
Tổng Kết Dự Án Phát Triển Nhân Tài Công Nghệ Samsung Innovation Campus 2023-2024 Vietnet24h - Tính từ khi được ra mắt năm 2019 cho đến nay, đã có hơn 12.000 học sinh, sinh viên và giáo viên được đào tạo và phát triển năng lực công nghệ cao từ dự án Samsung Innovation Campus của Samsung Việt Nam.
Viettronics Tân Bình: Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu thời kỳ hội nhập Vietnet24h - Giải thưởng danh giá này được trao tặng tại Diễn đàn “Doanh nghiệp tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ hội nhập năm 2024” vào ngày 23 tháng 06 năm 2024
Liệu việc đình công kéo dài có ảnh hưởng đến sản xuất chip của Samsung? Vietnet24h - Với việc liên đoàn lao động lớn nhất của Samsung Electronics đe dọa sẽ kéo dài cuộc đình công đến “vô thời hạn”, mối lo ngại về năng suất của nhà sản xuất chip này đang gia tăng.
OpenAI lâm vào khủng hoảng: Từ vụ hack đến những tranh cãi liên tục Vietnet24h - OpenAI, công ty nổi tiếng với ChatGPT, đang phải đối mặt với một loạt vấn đề tai tiếng khi thông tin về một vụ hack nghiêm trọng bị tiết lộ gần đây.
Trí tuệ nhân tạo - Ngành nghề dẫn đầu về mức lương tại Trung Quốc Vietnet24h - Ngành trí tuệ nhân tạo (AI) đang dẫn đầu bảng xếp hạng về mức lương, với các kỹ sư AI nhận được trung bình 3.000 USD (76,8 triệu đồng) mỗi tháng, theo báo cáo quý II/2024 của nền tảng tuyển dụng hàng đầu Zhilian Zhaopin.
Samsung và CMC cùng kết nối chiến lược thúc đẩy ngành bán dẫn ở Việt Nam Vietnet24h - Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính và Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong đã khẳng định cam kết hợp tác chiến lược nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Các đề xuất về thiết kế chip AI, chuyển giao công nghệ 5G và mở rộng mô hình GDC toàn cầu được đưa ra trong bối cảnh hợp tác đôi bên ngày càng chặt chẽ và bền vững.
GlobalFoundries chạy đua tìm kiếm tài năng bán dẫn khi nhu cầu về chip tăng cao Vietnet24h - Ngành công nghiệp bán dẫn đang tuyển dụng nhân công trong một thị trường lao động eo hẹp khi sự cạnh tranh giành nhân tài ngày càng gia tăng và nguồn tài trợ từ Đạo luật Khoa học và CHIPS tiếp tục bị phân tán.
Viettronics Tân Bình: Vinh Danh Doanh nghiệp Tiêu Biểu Vì Người Lao Động 2024 Vietnet24h - Ngày 26 tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình (VTB) vinh dự được xướng tên trong Top 67 Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động năm 2024 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Elon Musk giàu thêm 70 tỷ đô la kể từ chiến thắng của Trump nhờ cổ phiếu Tesla tăng vọt Vietnet24h - Mức tăng trưởng 39% của Tesla kể từ chiến thắng trong cuộc bầu cử của Donald Trump tuần trước đã giúp giá trị tài sản ròng của Elon Musk tăng thêm khoảng 70 tỷ đô la.
CZ – nhà sáng lập binance – lần đầu lộ diện sau khi ra tù, bật mí về cuộc sống sau song sắt Vietnet24h - Xuất hiện tại Tuần lễ Blockchain Binance, Changpeng Zhao (CZ) – cựu CEO Binance – gây chú ý khi chia sẻ câu chuyện từ những ngày trong tù và tiết lộ kế hoạch mới cho tương lai. Với phong thái thoải mái, CZ còn tiết lộ khả năng chống đẩy đáng nể và quyết tâm khám phá các lĩnh vực mới như AI.
Elon Musk giàu hơn 26 tỷ đô la sau ngày tốt nhất của Tesla trên thị trường chứng khoán kể từ năm 2013 Vietnet24h - Cổ phiếu Tesla tăng vọt 22% vào thứ năm, nâng giá trị tài sản ròng của Elon Musk lên khoảng 26 tỷ đô la.
Mark Zuckerberg: “Civilization là game tôi muốn giỏi nhất thế giới” Vietnet24h - Trong một cuộc phỏng vấn, Mark Zuckerberg chia sẻ niềm đam mê mạnh mẽ với trò chơi chiến thuật Civilization, thậm chí ông đang xem xét việc livestream khả năng chơi game điêu luyện của mình trên Twitch.
CEO Nvidia giàu hơn Intel: Cú bứt phá của Jensen Huang nhờ AI Vietnet24h - Jensen Huang, CEO của Nvidia, sở hữu tài sản cá nhân lên tới 109 tỷ USD, vượt qua vốn hóa của Intel. Với Nvidia đang đứng đầu trong cuộc đua AI tạo sinh, Huang trở thành một trong những doanh nhân quyền lực nhất ngành công nghệ.
Sóng gió tại OpenAI: khi lãnh đạo rời bỏ, nhân tài cũng xuôi theo Vietnet24h - OpenAI đang chứng kiến một làn sóng rời bỏ đáng báo động từ những lãnh đạo chủ chốt. Những quyết định này không chỉ làm rối ren nội bộ mà còn khiến nhiều nhân viên cảm thấy bất an và tìm kiếm cơ hội mới trong ngành công nghệ.
Mark Zuckerberg hiện là người giàu thứ hai thế giới, vượt qua Jeff Bezos Vietnet24h - Theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg, CEO của Meta, Mark Zuckerberg đã vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới.
“Bóng hồng” ChatGPT Mira Murati bất ngờ rời OpenAI sau 6,5 năm Vietnet24h - Mira Murati, Giám đốc công nghệ OpenAI và người được mệnh danh là 'bóng hồng' của ChatGPT, đã thông báo rời công ty. Bước đi này diễn ra giữa thời điểm OpenAI đang đối mặt với nhiều thay đổi quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo.
Cựu giám đốc chiến lược của Samsung gia nhập hội đồng quản trị Arm Vietnet24h - Arm cho biết trong một thông cáo báo chí rằng họ đã bổ nhiệm ông Sohn làm thành viên hội đồng quản trị mới. Đây là lần thứ hai Sohn có một ghế trong hội đồng quản trị của Arm.
Larry Ellison của Oracle đã vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới Vietnet24h - Cổ phiếu của Oracle đang có tuần tốt nhất kể từ năm 2021 sau báo cáo thu nhập tốt hơn dự kiến ​​và hướng dẫn lạc quan cho năm tài chính tiếp theo.