Tin Hoạt động
Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
Hoàng Sơn - Thứ Năm, 14/12/2023 4:46 CH
Vietnet24h - Vietnet24h xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chun Nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

TUYÊN BỐ CHUNG

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA VỀ VIỆC TIẾP TỤC LÀM SÂU SẮC VÀ NÂNG TẦM QUAN HỆ ĐỐI TÁC HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN, XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG CHIA SẺ TƯƠNG LAI VIỆT NAM - TRUNG QUỐC CÓ Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC

1. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 12 năm 2023.

Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng, lý tưởng niềm tin tương thông, con đường phát triển gần gũi, cùng chung chí hướng, chia sẻ tương lai chung, đều nỗ lực vì nhân dân hạnh phúc và đất nước giàu mạnh, nỗ lực vì sự nghiệp cao cả hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Nhằm kế thừa và phát huy truyền thống hữu nghị "mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em", tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Phía Việt Nam ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu. Các sáng kiến nêu trên có mục tiêu đề ra là nhằm bảo vệ lợi ích chung của toàn nhân loại, vì sự nghiệp hòa bình, chính nghĩa và tiến bộ của nhân dân thế giới, đáp ứng mong muốn xây dựng thế giới tốt đẹp của nhân dân các nước.

Hai bên nhất trí cho rằng, phát triển quan hệ giữa các nước cần tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Theo các định hướng trên, hai bên đồng ý thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bước vào giai đoạn mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới phát triển, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

2. Trong bầu không khí hữu nghị, thẳng thắn, hai bên thông báo cho nhau tình hình của mỗi Đảng, mỗi nước, cũng như lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội; vui mừng trước những thành tựu to lớn, mang tính lịch sử mà mỗi Đảng, mỗi nước đã đạt được trong sự nghiệp phát triển đất nước, thực hiện hiện đại hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình đất nước mình; cho rằng điều này thể hiện đầy đủ sức sống và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Trung Quốc.

Phía Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc đạt được trong 10 năm thời đại mới và những thành quả quan trọng đã đạt được trong việc quán triệt thực hiện tinh thần Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Phía Việt Nam chúc và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo kiên cường của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, dưới sự định hướng của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ tiếp tục làm phong phú và mở mang con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, không ngừng hoàn thiện nền dân chủ nhân dân toàn quá trình, thúc đẩy mạnh mẽ công trình vĩ đại mới về xây dựng Đảng, hoàn thành đúng thời hạn các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra, thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.

Phía Trung Quốc ủng hộ và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong gần 40 năm đổi mới, 10 năm thực hiện "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung sửa đổi năm 2011)", đặc biệt là những thành quả quan trọng, toàn diện kể từ sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, thúc đẩy sức mạnh tổng hợp và ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam đạt tới tầm cao chưa từng có. 

Phía Trung Quốc chúc và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ lớn mà Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, xây dựng Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. 

Phía Trung Quốc khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ, thúc đẩy đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị, phát huy vai trò ngày càng quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của khu vực và thế giới.

3. Hai bên đã nhìn lại quá trình phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc; trân trọng sự giúp đỡ quý báu và vô tư mà hai Đảng, hai nước và Nhân dân hai nước dành cho nhau trong các thời kỳ; nhất trí cho rằng tình hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần phải kế thừa tốt, bảo vệ tốt, phát huy tốt. 

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao và trân trọng sự ủng hộ mạnh mẽ và giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển đất nước.

Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã xác lập phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". 15 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 đến nay, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được tiến triển tích cực, toàn diện. 

Bước vào thời đại mới, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sau khi bế mạc Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến hành chuyến thăm mang tính lịch sử tới Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới.

Hướng tới tương lai, phía Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng.

Phía Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Đây là lựa chọn chiến lược của hai bên.

Hai bên nhấn mạnh, kiên định ủng hộ hai Đảng, hai nước và Nhân dân hai nước kiên trì tự chủ chiến lược, tự chủ lựa chọn con đường phát triển phù hợp với tình hình đất nước mình; kiên trì xử lý thỏa đáng và tích cực giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Trên cơ sở những nhận thức chung nêu trên, trong bối cảnh tình hình thế giới trải qua những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ, hai bên đồng ý kiên trì định hướng chính trị của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, nhìn nhận và phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, tuân theo phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt", lấy dịp 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện làm thời cơ, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

4. Để tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy vững chắc việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí phát huy tốt vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, tích cực thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào 06 phương hướng hợp tác lớn dưới đây, xác định mục tiêu, hoàn thiện cơ chế, đưa ra biện pháp, đôn đốc thực hiện:

4.1. Tin cậy chính trị cao hơn

Để tập trung nắm bắt phương hướng phát triển của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị.

(1) Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa giao lưu mật thiết giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thông qua các hình thức như thăm song phương, cử đặc phái viên, đường dây nóng, trao đổi thư điện, gặp gỡ thường niên và tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương, kịp thời trao đổi chiến lược về các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và tình hình khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, định hướng và chỉ đạo chiến lược đối với sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới.

(2) Hai bên nhất trí phát huy đầy đủ vai trò đặc biệt của kênh Đảng, tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, điều phối của cơ chế Gặp gỡ cấp cao hai Đảng và vai trò thúc đẩy, điều phối của các cơ quan đối ngoại của hai Đảng; nâng cao hiệu quả giao lưu, hợp tác giữa các cơ quan tương ứng của hai Đảng ở Trung ương, các tổ chức đảng địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh (khu) giáp biên; thông qua cơ chế Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ, trao đổi đoàn kênh Đảng, tăng cường giao lưu, tham khảo lẫn nhau về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong các lĩnh vực như tổ chức, tuyên giáo/tuyên truyền, kiểm tra kỷ luật, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp, dân vận/mặt trận thống nhất, kinh tế - xã hội. 

Tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc, Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.

(3) Hai bên nhất trí triển khai tốt Thỏa thuận về làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong thời kỳ mới giữa Bộ Ngoại giao hai nước; duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao; tiếp tục tổ chức tốt tham vấn ngoại giao thường niên, tăng cường giao lưu cấp Vụ (Cục) tương ứng, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo cán bộ, ủng hộ và tạo thuận lợi cho việc cải thiện điều kiện trụ sở và nhà ở của cơ quan đại diện ngoại giao hai nước.

(4) Phía Việt Nam tái khẳng định kiên định thực hiện chính sách "một Trung Quốc", công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức, ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không phát triển bất cứ quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan. 

Phía Việt Nam cho rằng các vấn đề Hồng Công, Tân Cương, Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc, tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, các khu vực trên sẽ duy trì ổn định và phát triển thịnh vượng. Phía Trung Quốc bày tỏ đánh giá cao điều này. Phía Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của phía Việt Nam trong việc duy trì ổn định xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia và thúc đẩy đoàn kết dân tộc.

4.2. Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn

Hợp tác quốc phòng - an ninh là một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong việc củng cố tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nước. 

Để bảo vệ an ninh của nước mình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới, hai bên nhất trí tăng cường các cơ chế hợp tác về quốc phòng, công an, an ninh, tòa án tối cao, viện kiểm sát tối cao, nghiên cứu xây dựng cơ chế giao lưu giữa các cơ quan tư pháp tương ứng của hai nước, thúc đẩy các hợp tác trọng điểm sau:

(1) Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa giao lưu cấp cao giữa quân đội hai nước; phát huy tốt vai trò của các kênh như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, Đối thoại chiến lược quốc phòng và Đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng; triển khai hiệu quả "Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025" giữa Bộ Quốc phòng hai nước. 

Tăng cường giao lưu, hợp tác giữa quân đội hai nước trong các lĩnh vực như công tác chính trị, đào tạo cán bộ, nghiên cứu chung; tăng cường hơn nữa hợp tác về công nghiệp quốc phòng, diễn tập và huấn luyện chung, y tế hậu cần, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và lĩnh vực an ninh phi truyền thống. 

Tiếp tục đi sâu hợp tác biên phòng, thúc đẩy triển khai tuần tra chung biên giới trên đất liền, khuyến khích các đồn trạm biên phòng của hai nước thiết lập quan hệ hữu nghị, tăng cường phối hợp về quản lý và bảo vệ biên giới. 

Tiếp tục triển khai tốt tuần tra chung trên Vịnh Bắc Bộ và hoạt động tàu quân sự thăm nhau; làm sâu sắc cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hải quân và cảnh sát biển hai nước.

(2) Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi cấp cao giữa các cơ quan thực thi pháp luật hai nước; phát huy tốt vai trò của các cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng về phòng chống tội phạm, Đối thoại an ninh chiến lược; thiết lập cơ chế Đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị và Đường dây nóng giữa Bộ Công an hai nước. 

Tăng cường hợp tác giữa Bộ Công an của Việt Nam và cơ quan an ninh, thực thi pháp luật của Trung Quốc trong các lĩnh vực an ninh, tình báo, đặc biệt là đi sâu hợp tác về bảo vệ an ninh chính quyền và an ninh chế độ; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống như phòng chống khủng bố, phòng chống tội phạm lừa đảo qua mạng, an ninh mạng, quản lý xuất nhập cảnh, di dân, vượt biên trái phép, truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài. 

Đi sâu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực an ninh kinh tế, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, cải cách mở cửa. 

Tăng cường giao lưu tình báo giữa hai bên và phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong các vấn đề chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu" của các thế lực thù địch, phản động. 

Tăng cường hợp tác trong việc phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo, quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thúc đẩy hợp tác đào tạo cán bộ. Tăng cường hợp tác bảo vệ an toàn của các cơ quan, doanh nghiệp và công dân của nước này ở nước kia.

(3) Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các lĩnh vực; tích cực thực hiện nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên.  

Triển khai có hiệu quả "Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự", "Hiệp định dẫn độ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa"; thúc đẩy "Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về chuyển giao người bị kết án tù" đi vào thực hiện có hiệu quả; thúc đẩy Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước đạt kết quả thực chất, cùng nhau hoàn thiện cơ chế tương trợ về tư pháp giữa hai bên; nghiên cứu việc thiết lập các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự và thương mại biên giới; thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp địa phương có chung đường biên giới với các hình thức phù hợp.

4.3. Hợp tác thực chất sâu sắc hơn

Nhằm kiên trì hợp tác cùng thắng, phục vụ sự phát triển của hai nước, thúc đẩy kinh tế khu vực và thế giới phục hồi, tăng trưởng bền vững, hai bên sẽ tăng cường các cơ chế hợp tác tương ứng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đầu tư ngành nghề, thương mại, nông nghiệp, tài chính tiền tệ; nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, cơ quan giao thông vận tải, thúc đẩy các hợp tác trọng điểm sau:

(1) Cùng xây dựng "Hai hành lang, một vành đai" và "Vành đai và Con đường"

Hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt "Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.

Đẩy nhanh việc thúc đẩy kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới, trong đó có xây dựng Cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc). Khuyến khích doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ, cầu, đường sắt, điện sạch, viễn thông, logistics; tiếp tục phối hợp mật thiết, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hợp tác vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, tăng cường hợp tác logistics.

(2) Đầu tư

Hai bên nhất trí triển khai tốt khu hợp tác kinh tế - thương mại, trọng điểm tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh. 

Khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín, công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia trong lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của mỗi nước, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp này. 

Đẩy nhanh triển khai các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc cho Việt Nam, trong đó có Dự án Xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Y dược cổ truyền.

Hai bên nhất trí đi sâu trao đổi kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hợp tác đào tạo nhân lực giữa hai nước, nhất là nhân lực quản lý cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của hai nước triển khai trao đổi, kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác cùng có lợi. 

Tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt trên nguyên tắc thị trường và tinh thần thực chất, bền vững, bảo đảm an ninh chuỗi sản xuất và cung ứng năng lượng.

(3) Thương mại

Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững. Phát huy tốt vai trò của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khu thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; tăng cường hợp tác trên các nền tảng như Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), Hội chợ triển lãm ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO), Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair); mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của nước này sang nước kia. 

Hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương. 

Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm. 

Phía Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy nhập khẩu các loại cá tầm của Trung Quốc, tăng cường giao lưu, trao đổi giữa các tổ chức ngành nghề của hai bên, thúc đẩy các ngành nghề liên quan của hai nước phát triển lành mạnh.

Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp hiệu quả bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng giữa hai nước và trong khu vực. Nâng cao hiệu suất thông quan, thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực mốc 1088/2-1089 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); phân luồng hợp lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới, bảo đảm các cửa khẩu biên giới trọng điểm vận hành thông suốt. 

Hai bên nhất trí sẽ tích cực phát huy vai trò của Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục khai thác tiềm năng thương mại song phương; thúc đẩy thực hiện "Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc", duy trì an toàn, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng giữa hai nước. 

Hai bên nhất trí, phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về thương mại điện tử, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác thương mại điện tử.

Hai bên nhất trí phát huy tốt vai trò của các cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục thực hiện tốt 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận liên quan; tăng cường quản lý an ninh trật tự khu vực biên giới; tích cực thúc đẩy mở mới, nâng cấp cửa khẩu biên giới. 

Tiếp tục triển khai hiệu quả "Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân". 

Nghiên cứu triển khai hợp tác cấp "Chứng nhận Doanh nghiệp ưu tiên" (AEO) của nhau, tăng cường giao lưu, hợp tác "một cửa", tiếp tục làm sâu sắc hợp tác về thực thi pháp luật chống buôn lậu, thúc đẩy Hành động phối hợp thực thi pháp luật quốc tế "Con rồng Mê Công" đạt được nhiều thành quả hơn nữa.

Phía Trung Quốc ủng hộ việc mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh, các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh và Hàng Châu (Trung Quốc) phát huy vai trò tích cực trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước; sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho phía Việt Nam sớm mở thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương liên quan của Trung Quốc.

Hai bên ủng hộ chính quyền các địa phương hai nước thiết lập cơ chế phối hợp công tác, nhất là các địa phương có quy mô kinh tế và dân số tương đối lớn trong nội địa, cùng nhau tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp đường sắt hai nước tăng cường hợp tác nâng hiệu suất hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc.

(4) Tài chính, tiền tệ

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và giữa các cơ quan giám sát, quản lý tài chính của hai nước. Phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về tài chính - tiền tệ, nhằm thúc đẩy hợp tác tiền tệ giữa hai nước. 

Ủng hộ hai bên đi sâu hợp tác tại Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, cung cấp hỗ trợ về vốn cho các dự án liên quan theo chiến lược, chính sách và quy trình của Ngân hàng.

(5) An ninh lương thực và phát triển xanh

Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy hợp tác về kỹ thuật nông nghiệp và trao đổi chính sách nông nghiệp, nghiên cứu triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp các-bon thấp, nông nghiệp số, nông nghiệp xanh, bảo vệ đất và nguồn nước, thúc đẩy các sản phẩm xanh, phát thải các-bon thấp, phát triển bền vững; tăng cường trao đổi, điều phối chính sách về bảo đảm an ninh lương thực.

Hai bên nhất trí tích cực tham gia và xây dựng quan hệ đối tác hợp tác năng lượng sạch toàn cầu. Làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực như bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, ô tô năng lượng mới, bao gồm quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên châu Á, bảo tồn các loài hoang dã di cư, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại giữa khu vực biên giới. Phía Trung Quốc hoan nghênh Việt Nam tham gia vào các hoạt động liên quan của Liên minh quốc tế phát triển xanh "Vành đai và Con đường".

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông sản; triển khai hợp tác nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường biển và hải đảo, triển khai hợp tác thả cá giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ. 

Sớm ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ; thực hiện tốt Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt Nam - Trung Quốc.

Hai bên nhất trí trao đổi số liệu thủy văn mùa lũ, triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như quản lý tổng hợp tài nguyên nước, ngăn ngừa thiên tai lũ lụt, hạn hán, nước uống an toàn khu vực nông thôn, tưới tiêu tiết kiệm, khoa học kỹ thuật thủy lợi.  

Tổ chức đối thoại chính sách cấp cao về sử dụng bền vững tài nguyên nước xuyên biên giới; tăng cường phối hợp về phòng chống hạn hán, ngập lụt và bảo đảm an toàn đập thủy điện. Tăng cường trao đổi thông tin dự báo khí tượng, thời tiết, thời tiết nguy hiểm và hợp tác phát triển dịch vụ khí tượng khu vực châu Á.

4.4. Nền tảng xã hội vững chắc hơn

Nhằm tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị, thúc đẩy giao lưu và hiểu biết, gắn bó lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, củng cố nền tảng xã hội của quan hệ hai Đảng, hai nước, hai bên sẽ tăng cường các cơ chế giao lưu giữa cơ quan tuyên giáo/tuyên truyền của hai Đảng, truyền thông chủ lực và các nhà xuất bản, giữa các cơ quan văn hóa, du lịch, thanh niên và địa phương; nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa các cơ quan giáo dục, y tế, y học cổ truyền, hàng không dân dụng, thúc đẩy các hợp tác trọng điểm sau:

(1) Tuyên truyền

Cơ quan tuyên giáo/tuyên truyền của hai Đảng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Khuyến khích hai nước triển khai hợp tác truyền thông, xuất bản báo chí, phát thanh, điện ảnh, truyền hình, tăng cường sự hiểu biết và tình cảm hữu nghị lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ.

(2) Văn hóa và du lịch

Phía Việt Nam ủng hộ Trung Quốc xây dựng Trung tâm Văn hóa tại Việt Nam; phía Trung Quốc hoan nghênh Việt Nam thiết lập Trung tâm Văn hóa tại Trung Quốc, vận hành tốt Cung Hữu nghị Việt - Trung. Phía Việt Nam tích cực ủng hộ Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội triển khai hoạt động.

Hai bên ủng hộ các tổ chức văn hóa, đoàn nghệ thuật, trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật của hai nước triển khai giao lưu, hợp tác. Tăng cường phối hợp, trao đổi chính sách du lịch giữa hai nước, phối hợp khai thác các tuyến du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch. 

Thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác Văn hóa và Du lịch Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2023 - 2027, tăng cường giao lưu trao đổi đoàn các cấp về văn hóa và du lịch, thúc đẩy ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển lành mạnh. 

Vận hành tốt thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) an toàn, hiệu quả, tạo nền tảng để vận hành chính thức, khuyến khích các du khách hai bên tham quan Khu cảnh quan. 

Ủng hộ doanh nghiệp vận tải hàng không của hai bên tăng thêm chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc căn cứ theo nhu cầu thị trường.

(3) Giáo dục, thể thao, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ

Hai bên nhất trí thực hiện tốt Hiệp định hợp tác giáo dục Việt Nam - Trung Quốc; khuyến khích tăng cường trao đổi lưu học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ giảng dạy hai nước; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên Việt Nam thông qua các chương trình học bổng du học tại Trung Quốc; thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục hai nước; tích cực phát huy vai trò của Học viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội, làm sâu sắc hợp tác giáo dục dạy nghề, giáo dục số và thể thao. Tăng cường giao lưu giữa các trường đại học, cơ quan nghiên cứu của hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động trên cơ sở triển khai hiệu quả các thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới của các tỉnh/khu biên giới hai nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động vùng biên giới hai nước. Thúc đẩy các chương trình giao lưu, hợp tác phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng, an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.

Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ủy ban hỗn hợp hợp tác về khoa học công nghệ Việt Nam - Trung Quốc; tích cực tăng cường hợp tác kết nối trong các lĩnh vực về quy định quản lý pháp quy an toàn hạt nhân, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tăng cường giao lưu trao đổi đoàn các cấp nhằm làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực trên.

(4) Y tế sức khỏe và phòng chống thiên tai

Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hợp tác, giao lưu trong các lĩnh vực y tế, sức khỏe, bao gồm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, y học cổ truyền, phòng chống thiên tai. Ủng hộ địa phương hai nước triển khai hợp tác về cùng chia sẻ thông tin và liên hợp phòng chống dịch bệnh qua biên giới.

(5) Giao lưu địa phương, nhân dân và thanh niên

Hai bên nhất trí ủng hộ các địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh/khu biên giới triển khai giao lưu, hợp tác. Nâng cao hiệu quả của các cơ chế giao lưu định kỳ giữa các tổ chức đoàn thể Việt Nam - Trung Quốc như công đoàn, phụ nữ, thanh niên; tổ chức tốt các hoạt động như Gặp gỡ Hữu nghị thanh niên

Việt Nam - Trung Quốc, Diễn đàn nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, Liên hoan Nhân dân biên giới; tăng cường giao lưu giữa lãnh đạo trẻ, doanh nghiệp trẻ, tình nguyện viên trẻ hai nước.

4.5. Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn

Để bảo vệ công bằng, chính nghĩa và lợi ích chung quốc tế, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh của khu vực, kiến tạo môi trường bên ngoài có lợi cho sự phát triển của mỗi nước và quan hệ Việt - Trung, hai bên nhất trí kiên trì phát huy chủ nghĩa đa phương, tăng cường phối hợp và hợp tác đa phương, cùng nhau bảo vệ hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm hạt nhân và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.

(1) Hai bên nhất trí tăng cường cơ chế tham vấn về nhân quyền, chính sách giữa hai Bộ Ngoại giao và giao lưu không định kỳ giữa Cơ quan đại diện thường trú tại hai nước, cũng như Phái đoàn/Văn phòng đại diện của hai nước thường trú tại nước thứ ba hoặc tổ chức quốc tế.

(2) Phía Việt Nam hoan nghênh quan điểm xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại mà phía Trung Quốc đưa ra nhằm thúc đẩy những giá trị chung về hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do; ủng hộ và sẵn sàng chủ động tham gia các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển toàn cầu phù hợp với khả năng, điều kiện, nhu cầu của Việt Nam; cùng thực hiện tốt Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030; trao đổi, điều phối chính sách, ủng hộ lẫn nhau và triển khai hợp tác thực chất trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

(3) Hai bên khẳng định tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, nỗ lực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Phía Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ Sáng kiến An ninh toàn cầu, hai bên sẽ nghiên cứu triển khai hợp tác phù hợp trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh toàn cầu. Tiếp tục duy trì trao đổi, phối hợp mật thiết trên các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu.

(4) Hai bên cho rằng, các nước có tiền đồ vận mệnh liên quan chặt chẽ với nhau, các nền văn minh khác nhau chung sống bao dung, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Phía Việt Nam ủng hộ Sáng kiến Văn minh toàn cầu, vì hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa và tiến bộ của nhân loại, sẵn sàng nghiên cứu triển khai hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến này.

(5) Hai bên chủ trương các nước triển khai giao lưu và hợp tác trong vấn đề nhân quyền trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy việc tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, không chính trị hóa vấn đề nhân quyền, không dùng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

(6) Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các tổ chức và cơ chế quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á - Âu (ASEM), ủng hộ nhau ứng cử các vị trí tại các tổ chức quốc tế.

(7) Hai bên ủng hộ ASEAN duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang không ngừng diễn biến, thay đổi. Trung Quốc ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển. Đẩy nhanh xây dựng Khu thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN phiên bản 3.0, làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc.

(8) Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác Mê Công - Lan Thương, nỗ lực thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai vì hòa bình và thịnh vượng giữa các quốc gia Mê Công - Lan Thương. Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hợp tác kinh tế khu vực tiểu vùng sông Mê Công (GMS).

(9) Hai bên nhất trí, nỗ lực bảo vệ các nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy cải cách cần thiết trong WTO, đặc biệt là khôi phục hoạt động bình thường cơ chế giải quyết tranh chấp xét xử hai cấp và có sức ràng buộc. Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ WTO, hai bên cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên đang phát triển, thúc đẩy WTO phát huy vai trò hiệu quả hơn.

(10) Phía Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của Hiệp định. Hai bên sẵn sàng cùng thực hiện tốt Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực.

4.6. Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn

Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

(1) Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tăng cường cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc và các nhóm công tác trực thuộc; tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

(2) Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất. 

Hai bên sẽ tiếp tục tích cực triển khai hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Tăng cường hợp tác thực thi pháp luật nghề cá và hợp tác nuôi trồng, bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật trên Biển Đông. Tăng cường hợp tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

(3) Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. 

Thực hiện cơ chế Cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) và Cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về triển khai "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển.

(4) Hai bên nhất trí trong năm 2024 cùng nhau kỷ niệm 25 năm phân định biên giới trên đất liền và 15 năm ký kết 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

5. Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần quan trọng vào phát huy tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước nhất trí chỉ đạo các ban, bộ ngành hữu quan và địa phương hai nước Việt Nam - Trung Quốc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế giao lưu tương ứng, xác định rõ đơn vị có trách nhiệm và phương hướng thực hiện, căn cứ theo phân công nhiệm vụ và tình hình thực tế, xây dựng phương án triển khai chi tiết, kịp thời báo cáo tiến triển hợp tác với Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. 

Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương phụ trách công tác đánh giá, giám sát, đôn đốc, điều phối các công việc giai đoạn tiếp theo, báo cáo Lãnh đạo cấp cao mỗi bên về tình hình tiến triển hợp tác. Căn cứ theo nhu cầu, hai bên trao đổi, kết nối, rà soát tình hình triển khai và giải quyết các vấn đề phát sinh thông qua hiệp thương hữu nghị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Nhân dân Việt Nam về sự tiếp đón hết sức trọng thị, thân tình và hữu nghị; trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sớm thăm lại Trung Quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ cảm ơn và vui vẻ nhận lời./.

Sáu trụ cột hợp tác trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc Vietnet24h - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định kết quả cuộc hội đàm thành công với nhiều nhận thức chung quan trọng, đặc biệt là định vị mới của quan hệ Việt - Trung và 6 trụ cột hợp tác được xác lập đã chỉ rõ phương hướng, mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới.
Cơ hội kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tại Triển Lãm Kinh Tế và Công Nghệ Hợp Tác Mekong – Lan Thương Vietnet24h - Các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để thiết lập mối quan hệ có ý nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam tại Triển lãm Kinh tế và Công nghệ Hợp tác Mekong – Lan Thương sẽ diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 12 năm 2023.
Tin khác cùng chuyên mục
Tin đọc nhiều
Nhà máy thông minh GREEN Intelligence chung tay cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam hướng tới chương mới của công cuộc hiện đại hóa Vietnet24h - Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế NEPCON ASIA 2024 tại Thâm Quyến, đoàn công tác của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc chuyên sâu tại nhà máy của Công ty Green Intelligence.
Nỗ lực tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Vietnet24h - Để thúc đẩy ngành sản xuất điện tử Việt Nam phát triển đạt chất lượng cao và tăng cường trao đổi chuyên sâu, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện tử, Hội nghị “Sản xuất thông minh trong ngành điện tử: “Kết nối và phát triển chuỗi cung ứng” do Tạp chí Công nghệ mới Step by Step thuộc Nhà xuất bản Quốc tế ACT International phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Sắp diễn ra Hội thảo: Sản xuất thông minh trong ngành điện tử: Kết nối và Phát triển chuỗi cung ứng Vietnet24h - Hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp cùng Nhà xuất bản quốc tế ACT (Trung Quốc) và Tạp chí Điện tử Vietnet24h tổ chức vào ngày 08 tháng 8 năm 2024 tại Khách sạn Melia Hà Nội.
Hội thảo quốc tế IPC về Chất Lượng & Độ Tin Cậy Cao tại Việt Nam Vietnet24h - IPC (Institute of Printed Circuits) là Hiệp Hội Thương Mại Toàn Cầu cho Ngành Công Nghiệp Điện Tử thành lập vào năm 1957 tại Hoa Kỳ. Nay là một trong những tổ chức có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử của Mỹ và thế giới. IPC được Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) công nhận là Tổ Chức Phát Triển Tiêu Chuẩn.
Hội thảo: “Sáng tạo bền vững trong sản xuất điện tử, tự động hoá và hơn nữa”, thông điệp về sản xuất bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn Vietnet24h - Ngày 12 tháng 6 sắp tới sẽ diễn ra hội thảo “Sáng tạo bền vững trong sản xuất điện tử, tự động hoá và hơn nữa” do Công ty RX Tradex và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tổ chức tại Bắc Ninh.
Nhiều cơ hội giao thương được mở ra cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam và Trung Quốc Vietnet24h - Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị Thông minh (IEAE2024) được tổ chức từ ngày 23 đến 25 tháng 5 năm 2024 tại SECC TP. Hồ Chí Minh đã mở ra nhiều cơ hội giao thương, hợp tác kinh doanh, sản xuất giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Mời tham dự Hội thảo “Định hình một tương lai bền vững với các nhà sản xuất điện tử” Vietnet24h - Hội thảo sẽ mang đến những thông tin cập nhật về thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng và xu hướng tiêu dùng; Tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số trong sản xuất điện tử; Cập nhật các tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Âu, Mỹ đối với các nhà sản xuất thiết bị điện tử.
Đón xem Triển lãm Quốc tế Điện tử & Thiết bị Thông minh Việt Nam (IEAE): Nơi hội tụ của công nghệ thông minh tiên tiến nhất Vietnet24h - Triển lãm IEAE là triển lãm duy nhất trong lĩnh vực Điện tử & Thiết bị thông minh do Công ty VINEXAD (Bộ Công Thương) và Công ty CHAOYU EXPO đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng 5 sắp tới tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Sài Gòn (SECC), TP HCM.
Hội nghị Thượng đỉnh gia công hiệu suất cao ASEAN 2024: Phụ tùng ô tô, Điện tử và Tự động hóa lắp ráp Vietnet24h - Hội nghị quy tụ hơn 150 đại biểu, bao gồm các chuyên gia sản xuất, diễn giả chuyên môn trong lĩnh vực ô tô, xe máy, phụ tùng ô tô và linh kiện từ nước ngoài và Việt Nam như VASI, VEIA, Vinfast, TechMan Robot, ShareTech,… Sự kiện này không chỉ là cơ hội để các chuyên gia trong ngành chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ mới, quy trình sản xuất tiên tiến mà còn mở ra không gian cho các đại biểu mở rộng mạng lưới, tạo dựng mối quan hệ đối tác mới.
Chương trình kết nối doanh nghiệp tại Triển lãm Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam 2023 (IEAE) Vietnet24h - Để giúp các đối tác có nhiều cơ hội kinh doanh hơn, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp cùng Công ty Tổ chức Triển lãm Chaoyu và VINEXAD tổ chức một Chương trình kết nối doanh nghiệp đặc biệt dành cho các doanh nghiệp tham gia triển lãm, các doanh nghiệp hội viên VEIA và các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử.
JS VTB GÂY ẤN TƯỢNG ĐẶC BIỆT TẠI VIETNAM MOTOR SHOW 2024 Vietnet24h - Tại sự kiện, Công ty Cổ phần JS VTB giới thiệu hàng loạt sản phẩm, thiết bị công nghệ , giải trí dành cho Ô tô chất lượng cao, mẫu mã đẹp thu hút đông đảo khách tham quan.
VIETTRONICS TÂN BÌNH – KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN TỬ VÀ CÔNG NGHỆ TIÊU DÙNG Vietnet24h - Ngày 29/08/2024, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, Công ty cổ phần Viettronics Tân Bình (VTB) đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong sự kiện “Ngày hội Kết nối Thương hiệu”, một sân chơi uy tín dành cho các doanh nghiệp trong Khối các cơ quan Trung ương tại TP. HCM.
Tổng Kết Dự Án Phát Triển Nhân Tài Công Nghệ Samsung Innovation Campus 2023-2024 Vietnet24h - Tính từ khi được ra mắt năm 2019 cho đến nay, đã có hơn 12.000 học sinh, sinh viên và giáo viên được đào tạo và phát triển năng lực công nghệ cao từ dự án Samsung Innovation Campus của Samsung Việt Nam.
Viettronics Tân Bình: Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu thời kỳ hội nhập Vietnet24h - Giải thưởng danh giá này được trao tặng tại Diễn đàn “Doanh nghiệp tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ hội nhập năm 2024” vào ngày 23 tháng 06 năm 2024
Liệu việc đình công kéo dài có ảnh hưởng đến sản xuất chip của Samsung? Vietnet24h - Với việc liên đoàn lao động lớn nhất của Samsung Electronics đe dọa sẽ kéo dài cuộc đình công đến “vô thời hạn”, mối lo ngại về năng suất của nhà sản xuất chip này đang gia tăng.
OpenAI lâm vào khủng hoảng: Từ vụ hack đến những tranh cãi liên tục Vietnet24h - OpenAI, công ty nổi tiếng với ChatGPT, đang phải đối mặt với một loạt vấn đề tai tiếng khi thông tin về một vụ hack nghiêm trọng bị tiết lộ gần đây.
Trí tuệ nhân tạo - Ngành nghề dẫn đầu về mức lương tại Trung Quốc Vietnet24h - Ngành trí tuệ nhân tạo (AI) đang dẫn đầu bảng xếp hạng về mức lương, với các kỹ sư AI nhận được trung bình 3.000 USD (76,8 triệu đồng) mỗi tháng, theo báo cáo quý II/2024 của nền tảng tuyển dụng hàng đầu Zhilian Zhaopin.
Samsung và CMC cùng kết nối chiến lược thúc đẩy ngành bán dẫn ở Việt Nam Vietnet24h - Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính và Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong đã khẳng định cam kết hợp tác chiến lược nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Các đề xuất về thiết kế chip AI, chuyển giao công nghệ 5G và mở rộng mô hình GDC toàn cầu được đưa ra trong bối cảnh hợp tác đôi bên ngày càng chặt chẽ và bền vững.
GlobalFoundries chạy đua tìm kiếm tài năng bán dẫn khi nhu cầu về chip tăng cao Vietnet24h - Ngành công nghiệp bán dẫn đang tuyển dụng nhân công trong một thị trường lao động eo hẹp khi sự cạnh tranh giành nhân tài ngày càng gia tăng và nguồn tài trợ từ Đạo luật Khoa học và CHIPS tiếp tục bị phân tán.
Viettronics Tân Bình: Vinh Danh Doanh nghiệp Tiêu Biểu Vì Người Lao Động 2024 Vietnet24h - Ngày 26 tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình (VTB) vinh dự được xướng tên trong Top 67 Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động năm 2024 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Elon Musk giàu thêm 70 tỷ đô la kể từ chiến thắng của Trump nhờ cổ phiếu Tesla tăng vọt Vietnet24h - Mức tăng trưởng 39% của Tesla kể từ chiến thắng trong cuộc bầu cử của Donald Trump tuần trước đã giúp giá trị tài sản ròng của Elon Musk tăng thêm khoảng 70 tỷ đô la.
CZ – nhà sáng lập binance – lần đầu lộ diện sau khi ra tù, bật mí về cuộc sống sau song sắt Vietnet24h - Xuất hiện tại Tuần lễ Blockchain Binance, Changpeng Zhao (CZ) – cựu CEO Binance – gây chú ý khi chia sẻ câu chuyện từ những ngày trong tù và tiết lộ kế hoạch mới cho tương lai. Với phong thái thoải mái, CZ còn tiết lộ khả năng chống đẩy đáng nể và quyết tâm khám phá các lĩnh vực mới như AI.
Elon Musk giàu hơn 26 tỷ đô la sau ngày tốt nhất của Tesla trên thị trường chứng khoán kể từ năm 2013 Vietnet24h - Cổ phiếu Tesla tăng vọt 22% vào thứ năm, nâng giá trị tài sản ròng của Elon Musk lên khoảng 26 tỷ đô la.
Mark Zuckerberg: “Civilization là game tôi muốn giỏi nhất thế giới” Vietnet24h - Trong một cuộc phỏng vấn, Mark Zuckerberg chia sẻ niềm đam mê mạnh mẽ với trò chơi chiến thuật Civilization, thậm chí ông đang xem xét việc livestream khả năng chơi game điêu luyện của mình trên Twitch.
CEO Nvidia giàu hơn Intel: Cú bứt phá của Jensen Huang nhờ AI Vietnet24h - Jensen Huang, CEO của Nvidia, sở hữu tài sản cá nhân lên tới 109 tỷ USD, vượt qua vốn hóa của Intel. Với Nvidia đang đứng đầu trong cuộc đua AI tạo sinh, Huang trở thành một trong những doanh nhân quyền lực nhất ngành công nghệ.
Sóng gió tại OpenAI: khi lãnh đạo rời bỏ, nhân tài cũng xuôi theo Vietnet24h - OpenAI đang chứng kiến một làn sóng rời bỏ đáng báo động từ những lãnh đạo chủ chốt. Những quyết định này không chỉ làm rối ren nội bộ mà còn khiến nhiều nhân viên cảm thấy bất an và tìm kiếm cơ hội mới trong ngành công nghệ.
Mark Zuckerberg hiện là người giàu thứ hai thế giới, vượt qua Jeff Bezos Vietnet24h - Theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg, CEO của Meta, Mark Zuckerberg đã vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới.
“Bóng hồng” ChatGPT Mira Murati bất ngờ rời OpenAI sau 6,5 năm Vietnet24h - Mira Murati, Giám đốc công nghệ OpenAI và người được mệnh danh là 'bóng hồng' của ChatGPT, đã thông báo rời công ty. Bước đi này diễn ra giữa thời điểm OpenAI đang đối mặt với nhiều thay đổi quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo.
Cựu giám đốc chiến lược của Samsung gia nhập hội đồng quản trị Arm Vietnet24h - Arm cho biết trong một thông cáo báo chí rằng họ đã bổ nhiệm ông Sohn làm thành viên hội đồng quản trị mới. Đây là lần thứ hai Sohn có một ghế trong hội đồng quản trị của Arm.
Larry Ellison của Oracle đã vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới Vietnet24h - Cổ phiếu của Oracle đang có tuần tốt nhất kể từ năm 2021 sau báo cáo thu nhập tốt hơn dự kiến ​​và hướng dẫn lạc quan cho năm tài chính tiếp theo.