Dù phải gánh mức thuế nhập khẩu lên tới 25% theo tuyên bố của ông Donald Trump, Apple nhiều khả năng vẫn sẽ chọn tiếp tục sản xuất iPhone tại nước ngoài. Không phải vì công ty không muốn “made in USA”, mà vì toàn bộ chuỗi giá trị toàn cầu đã vận hành hiệu quả đến mức… sản xuất trong nước trở nên bất khả thi về mặt kinh tế.
Theo nhà phân tích kỳ cựu Ming-Chi Kuo, việc đưa dây chuyền sản xuất iPhone trở lại Mỹ sẽ khiến chi phí đội lên không chỉ vài chục phần trăm, mà có thể là hàng trăm phần trăm. Để dễ hình dung, nếu một chiếc iPhone sản xuất ở nước ngoài có giá 1.000 USD, thì khi “quốc nội hóa” toàn bộ, giá có thể tăng vọt lên... 3.500 USD – một con số mà ngay cả khách hàng trung thành nhất cũng sẽ phải lắc đầu.
Cảnh báo này không mới. Trước đó, nhiều chuyên gia từ Morgan Stanley, Wedbush hay cả bản thân Tim Cook đã không ít lần nhấn mạnh chi phí “hồi hương sản xuất” là cực kỳ đắt đỏ. Hai nhà máy của TSMC – đơn vị sản xuất chip cho Apple – tại bang Arizona đã tiêu tốn 40 tỷ USD, chỉ để đáp ứng một phần nhỏ chuỗi cung ứng. Đưa 10% dây chuyền lắp ráp của Apple về Mỹ? Ước tính tiêu tốn thêm 30 tỷ USD và cần ít nhất 3 năm để hoàn thiện. Một tỷ lệ lớn hơn? Có thể cần tới 100 tỷ USD và một thập kỷ chuẩn bị.
Vấn đề nằm ở đâu? Đó là sự thiếu vắng một hệ sinh thái sản xuất nội địa đủ lớn. Mỹ không thiếu công nghệ, không thiếu vốn, nhưng lại thiếu tầng lớp kỹ sư sản xuất và công nhân tay nghề cao – những người từng được đào tạo bài bản, sẵn sàng làm việc theo quy trình khắt khe và tốc độ cao như tại các nhà máy Foxconn ở Trung Quốc hay Ấn Độ. Để bù đắp, Mỹ cần đầu tư mạnh vào giáo dục kỹ thuật và phục hồi hệ thống sản xuất đã bị “xuất khẩu hóa” trong suốt ba thập kỷ qua.
Thách thức này không chỉ của Apple. Nó là câu hỏi lớn cho mọi tập đoàn công nghệ Mỹ – liệu họ có thể tồn tại trong một thế giới mà toàn cầu hóa bị đảo ngược? Khi các ứng viên chính trị đẩy mạnh khẩu hiệu "sản xuất tại Mỹ" như một công cụ vận động cử tri, các tập đoàn lại phải đối diện với một thực tế: chuỗi cung ứng không thể thay đổi chỉ bằng một tuyên bố.
Với Apple, chịu thuế 25% dường như vẫn là cái giá... rẻ hơn rất nhiều so với việc dựng lại cả một ngành công nghiệp ngay trên quê hương mình.