Lần điều trần trước đó diễn ra vào tháng 4 năm ngoái và kéo dài đến 10 tiếng vì những bê bối liên quan đến vụ rò rỉ thông tin người dùng Cambridge Analytica, được cho là làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Cụ thể, phiên điều trần đối với CEO Facebook Mark Zukerberg được diễn ra ở Ủy ban Dịch vụ Tài chính và Nhà tại Hạ viện với vô số những câu hỏi, chất vấn được các nhà lập pháp đặt ra đối với người đứng đầu mạng xã hội Facebook liên quan đến dự án tiền kỹ thuật số (tiền ảo) Libra.
Đối diện trước các nhà lập pháp, CEO Mark Zukerberg thừa nhận dự án tiền ảo Libra thực sự rất mạo hiểm. Tuy nhiên, ông chủ Facebook cũng tìm cách trấn an các nhà lập pháp với lời hứa hẹn về một tương lai tiền ảo Libra sẽ trở thành một hệ thống tài chính mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo.
Trước câu hỏi chấn vấn, Zuckerberg khẳng định chỉ ra mắt tiền ảo Libra một khi được Mỹ thông qua. Thậm chí, Facebook có thể rời Hiệp hội Libra nếu các công ty khác trong tổ chức quyết định phát hành đồng tiền này mà không cần được Mỹ cho phép.
Được biết, thời điểm ban đầu khi dự án được Facebook công bố, Hiệp hội Libra có tổng cộng 28 thành viên. Tuy nhiên, quãng thời gian sau đó, hàng loạt thành viên vốn là những tên tuổi lớn như PayPal, Visa, Mastercard, Stripe, eBay, Mercado Pago và Booking Holdings đều lần lượt rời bỏ hiệp hội.
Các tuần gần đây, Libra chịu sức ép lớn từ các nhà lập pháp và quản lý khắp thế giới vì lo lắng nó có thể bị lợi dụng để tài trợ cho hoạt động rửa tiền, khủng bố, xáo trộn hệ thống tài chính toàn cầu. Đại diện Ann Wagner của đảng Cộng hòa tra hỏi vì sao nhiều công ty lại từ bỏ dự án Libra đến vậy.
CEO Facebook thừa nhận có việc này vì Libra là “dự án mạo hiểm” và không dám chắc nó có hiệu quả không. Trong suốt phiên điều trần, giá bitcoin – một loại tiền ảo khác - xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.
Tuy nhiên, CEO Facebook không thể thay mặt Libra đưa ra các cam kết bởi mạng xã hội không còn nắm quyền kiểm soát dự án. Ngày 14/10, Hiệp hội Libra với 21 thành viên đã đồng ý các điều khoản về cách tổ chức hiệp hội theo quy định của Thụy Sỹ. Phần lớn quyết định đều cần được đa số phiếu, đồng nghĩa Facebook không thể tự tung tự tác.
Một ngày trước khi ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông chủ Facebook Mark Zukerberg khẳng định mạng xã hội này sẽ trì hoãn kế hoạch giới thiệu Libra cho đến khi tất cả những lo lắng của chính phủ Mỹ đối với dự án này được giải đáp hoàn toàn.
Trước đó, ngày 19-6, Facebook bất ngờ tiết lộ dự án đồng tiền ảo Libra dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain, và sẽ chính thức đưa ra thị trường vào năm 2020. Việc ra mắt đồng tiền ảo được cho là sẽ thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, công ty mong muốn người dùng có thể chuyển tiền cho nhau giống như việc nhắn tin hay gửi một tấm ảnh qua Facebook.
Libra là đồng tiền ảo do Facebook khởi xướng và công bố lần đầu tiên vào tháng 6 vừa qua, hợp tác cùng 27 đối tác khác và dự kiến sẽ phát hành vào đầu năm sau. Facebook còn vô cùng tự tin khẳng định Libra sẽ tổng hợp tất cả những thứ tinh túy nhất của tiền mã hóa và thanh toán điện tử. Không chỉ vậy, mạng xã hội này còn cho phép người dùng gửi Libra cho nhau khi chat trên Messenger hay WhatsApp một cách đơn giản.