Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 14,1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 10 (ngày 1-15/10), giảm 14,5% so với nửa cuối tháng 9/2022. Một số nhóm hàng có xuất khẩu tăng mạnh bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 29%; hàng dệt may tăng 22,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,1%; giày dép tăng 39,3%.
Lũy kế đến nửa đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 296,34 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu tháng 10 có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và nhiều nhóm đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD. Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt gần 2,6 tỷ USD tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 3 nhóm hàng “tỷ đô” còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,9 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (1,84 tỷ USD); dệt may (1,28 tỷ USD).
Hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều tăng. Xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ tăng 22,6%; Hàn Quốc tăng 16%; Nhật Bản tăng trên 21%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong kỳ đạt 13,64 tỷ USD, giảm 6,5% so với nửa cuối tháng 9/2022. Lũy kế đến 15/10, giá trị nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 289,09 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 585 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng cùng kỳ năm 2021, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu đạt 7,25 tỷ USD.
Dự báo, nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 4/2022, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 750 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 - 8%.
Theo Tổng cục Hải quan, tính riêng trong 9 tháng đầu năm, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 360,33 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,6%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là châu Mỹ: 119,57 tỷ USD, tăng 18,5%; châu Âu: 58,15 tỷ USD, tăng 9,4%; châu Đại Dương: 13,49 tỷ USD, tăng 29,1% và châu Phi: 6,39 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so với 3 quý/2021.