Sáng ngày 28/9, Triển lãm thương mại quốc tế Chiết Giang 2022 và Hội chợ Xuất khẩu Chiết Giang lần thứ 10 đã khai mạc tại Hà Nội với hơn 100 nhà sản xuất tham gia trưng bày 4 ngành chủ đạo gồm ngũ kim & máy móc thiết bị; dệt may & nguyên phụ liệu dệt may; nội ngoại thất; điện tử và thiết bị gia dụng.
Trong bài phát biểu chào mừng khai mạc bà Chen Cui – Tổng Giám đốc Công ty Yuanda (Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang) nhấn mạnh: “Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đang đứng ở xuất phát điểm mới, từ góc độ chiến lược và lâu dài, Trung Quốc và Việt Nam cần tận dụng các lợi thế về thể chế và nguồn lực, tiếp tục tăng cường kinh tế liên khu vực và trao đổi thương mại, tiếp tục tăng cường giao lưu kinh tế thương mại giữa các khu vực, đẩy mạnh kết nối chiến lược, triển khai hợp tác thực chất, thúc đẩy cùng xây dựng “Vành đai Con đường”, nhằm đạt được kết quả hai bên cùng có lợi”.
“Trên cơ sở những thành công đã đạt được của Hội chợ sau 10 năm tổ chức, chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới việc mở rộng và đa dạng hơn nữa các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ, trong đó có việc tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp nhập khẩu Chiết Giang với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong các lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến... – Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) chia sẻ trong buổi lễ khai mạc.
Sự kiện năm nay có ý nghĩa quan trọng khi đánh dấu năm thứ 10 hai bên phối hợp tổ chức hội chợ này, đồng thời cũng là năm thứ 2 liên tiếp Ban tổ chức và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn của đại dịch Covid-19 để tổ chức hội chợ theo hình thức trực tuyến sáng tạo, linh hoạt.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và những yếu tố bất ổn địa chính trị toàn cầu, tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2021 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 166,4 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. 08 tháng năm 2022, đà tăng trưởng tiếp tục duy trì ổn định khi đạt 117,3 tỷ USD, tăng 10,79% so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Để duy trì kim ngạch thương mại liên tục tăng trưởng như vậy, việc duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại là không thể thiếu. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác, qua đó duy trì ổn định, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực, làm tăng mức độ mở cửa và hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Á, tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực, tăng tốc để mở rộng quy mô của thương mại và đầu tư trong khu vực, tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc mở cửa và cung cấp tài chính cho nền kinh tế thế giới.
Hội chợ Xuất khẩu hàng hóa Chiết Giang tại Việt Nam là một trong những Hội chợ hàng hóa xuất khẩu lớn nhất và lịch sử tổ chức lâu nhất do tỉnh Chiết Giang tổ chức độc lập tại khu vực ASEAN.