Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 diễn ra vào ngày 2 - 3/10. Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức với mục đích: Công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia. Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ.
Để theo kịp sự phát triển của cuộc CMCN 4.0 cần sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số tạo ra nhiều mô hình mới, lực lượng lao động mới… khiến khuôn khổ quy định truyền thống không còn phù hợp, mà nếu duy trì sẽ kìm hãm phát triển.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trước đó, ngày 27/09/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do công nghệ mang lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên KH-CN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số…
Cũng trong phiên họp sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra nhận xét: “Từ Diễn đàn năm ngoái đến năm nay, chúng ta đã có hành động, đi đúng hướng và đạt được những kết quả tích cực. Một số chỉ số liên quan trực tiếp đến chủ đề Diễn đàn năm nay như chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tăng 3 bậc, từ 45 lên 42. Chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm vừa qua tăng 15 bậc lên thứ 59. Thanh toán điện tử tăng 19,6% số lượng giao dịch, 26,6% giá trị, đặc biệt thanh toán qua di động tăng 104% số giao dịch và 155% giá trị.
Chỉ số an toàn an ninh thông tin của Việt Nam tăng 50 bậc từ 100 lên 50. Giáo dục phổ thông xếp thứ 38. Việt Nam có 2 trường đại học vào tốp 1000 trường đại học hàng đầu thế giới. Nhiều trường đại học quy mô lớn, do tư nhân đầu tư phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu tư nhân được thành lập. Nhiều địa phương đã có những bước tiến lớn trong xây dựng đô thị thông minh”.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Nghị quyết 02 tích hợp các tiêu chí đánh giá, bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, rất phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Các bộ ngành, địa phương, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, thiết thực hơn.
Phiên họp toàn thể sáng nay mang tầm cỡ quốc tế với sự tham gia của nhiều diễn giả nước ngoài với những bài phát biểu quan trọng như:
Ông Andy Rowsell – Jones, Phó Chủ tịch Gartner chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số của các doanh nghiệp quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam cho biết: “Những thay đổi công nghệ số đang xảy ra ở mọi lĩnh vực và khu vực địa lý. Những “con rồng” công nghệ số như Alibaba và Amazon đang đóng vai trò ngày càng quan trọng không chỉ trong công nghệ mà còn về trải nghiệm khách hàng, thanh toán dữ liệu và kết quả phân tích dữ liệu. Họ có nguồn vốn lớn, nhiều nhân tài và thương hiệu hấp dẫn”.
Ngoài ra còn có các bài phát biểu của ông Denis Brunetti Chủ tịch Ericson tại Việt Nam; ông Kabsung Kim Trưởng Ban cố vấn về đô thị thông minh của Hàn Quốc; ông Yew Heng Lim Giám đốc đối ngoại của Grap tại Đông Nam Á...
Tuy nhiên một thiếu sót trong khâu tổ chức khi không có phiên dịch túc trực để dịch ngay những phát biểu của các diễn giả nước ngoài ra tiếng Việt. Đã có nhiều khách mời tham dự phiên họp ngày hôm nay băn khoăn phản ánh về điều này. Bởi nhẽ không phải tất cả đều biết tiếng Anh và đủ trình độ để nghe một vấn đề chuyên ngành và hiểu ngay. Rất mong ở các sự kiện quốc tế lần sau đơn vị tổ chức sẽ chuẩn bị đầy đủ chu đáo hơn để mọi người có thể nắm bắt được những chia sẻ quan trọng, những kinh nghiệm của quốc tế về sự phát triển của công nghiệp 4.0.