Theo các báo cáo đầu tư, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng trưởng trở lại và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm, dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế bằng cách tạo ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2022, có 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Có thể thấy, Khi các rào cản từ đại dịch Covid-19 dần được xóa bỏ và nhu cầu giao thương, phục hồi sản xuất ngày càng gia tăng thì cần có những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành điện tử Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và gặp gỡ các đối tác tiềm năng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Ông Phan Quang Vinh, Giám đốc Truyền thông Đối ngoại, RX Tradex, phát biểu khai mạc: “Bên cạnh các hoạt động thường niên, Diễn đàn Điện tử năm 2022 là sự kiện tiêu điểm tiền Triển lãm điện tử quốc tế NEPCON Việt Nam dự kiến diễn ra từ ngày 14-16/09/2022. Bên cạnh diễn đàn, Lễ ký kết Dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp (Business Innovation Zone) trực thuộc triển lãm với sự tham gia của nhiều đối tác, chúng tôi tin tưởng rằng, NEPCON năm nay sẽ mang đến các chương trình kết nối kinh doanh hữu ích trên tinh thần “kinh doanh du kích trong thời đại số” trong và sau đại dịch, đặc biệt với nhiều hoạt động, chương trình tư vấn kinh doanh dưới chủ đề Sản xuất & Vận hành tinh gọn 4.0 cho doanh nghiệp điện tử.”
Tiếp diễn buổi khai mạc, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp Hành, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, chia sẻ: “Sau đại dịch, ngành điện tử Việt Nam thay đổi nhanh chóng với nhu cầu ngày càng cao về sản xuất và vận hành tinh gọn để giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Đến với Diễn đàn điện tử NEPCON Việt Nam 2022, đây là cơ hội để hỗ trợ các doanh nghiệp cùng chia sẻ và giao lưu, học hỏi lẫn nhau để cùng hướng đến sự phát triển bền vững cũng như cập nhật những xu hướng, công nghệ tiên tiến và các giải pháp sản xuất thông minh”.
Ông Trần Xuân Quang (Lukas) – Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp cung ứng bền vững toàn cầu (GSS) đã có những chia sẻ chuyên sâu về những lưu ý dành cho doanh nghiệp liên quan đến tuân thủ trách nhiệm xã hội và môi trường, những yêu cầu về hệ thống chất lượng đối với doanh nghiệp điện tử theo xu hướng của chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu.
Đối tác Ký kết thỏa thuận hợp tác trong Dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp 2022, ông. Phạm Minh Thắng, Giám đốc, Công ty P&Q Solutions, bày tỏ quan điểm: “Chuyển đổi số là xu hướng được các doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn tiến đến quá trình tự động hóa dây chuyền sản xuất trong nhà máy. Đại dịch Covid-19 đã phơi bày các lỗ hồng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Giờ đây, các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn ở cấp độ tổng thể của chuỗi cung ứng. Đặc biệt là các doanh nghiệp điện tử, đối mặt với những thách thức chưa từng có trước đây, Chuyển đổi tinh gọn không chỉ là một lựa chọn mà đó là vấn đề mang tính quyết định sự “tồn tại” trong tương lai của các doanh nghiệp”.
Bên cạnh ký kết hợp tác, ông Phạm Minh Thắng - Giám đốc Công ty P&Q Solutions; ông Trần Xuân Quang - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp cung ứng bền vững toàn cầu (GSS); PGS.TS Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch sáng lấp Viện Quản trị tinh gọn GKM, Công ty GKM Việt Nam đã tham gia phiên thảo luận trong tọa đàm dưới sự điều phối của bà Đỗ Thị Thúy Hương: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Phát triển bền vững 4.0 cho ngành điện tử; chia sẻ về những yêu cầu đối với doanh nghiệp điện tử theo xu hướng của chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu; về Nhà máy tinh gọn 4.0 cho doanh nghiệp điện tử…