Không chỉ dừng lại là một công ty phần mềm, Google đang dần dần xây dựng mảng thiết bị phần cứng của mình với mục tiêu tạo ra nhiều thiết bị và linh kiện tự làm hơn. Câu hỏi là liệu Google sẽ đi theo hướng như Microsoft - cung cấp thiết kế tham chiếu cho các nhà sản xuất khác hay là đi theo con đường của Apple là tự tay thiết kế nhằm đảm bảo hiệu năng mong muốn. Những động thái mới đây của công ty này đã mang tới câu trả lời đầy rõ ràng.
Theo Phonearena, có nhiều thông tin cho biết rằng Google vừa chiêu mộ thành công 12 kĩ sư về vi mạch từ những đối thủ lớn như Qualcomm, Intel, Broadcom và Nvidia. Kế hoạch của công ty này chính là biến Bengaluru, Ấn Độ thành nơi nghiên cứu và thiết kế những vi xử lý của mình. Hiện nay đội ngũ tại đây đang có 20 người bao gồm 16 kĩ sư và 4 người tuyển dụng. Không dừng lại ở đó, Google mong muốn mở rộng con số trên lên thành 80 người chỉ trong năm 2019 này.
Trong gần một thập kỷ nay, Apple và Google đang liên tục tăng cường khả năng tự sản xuất chip của mình. Trong khi bộ xử lý A4 của Apple đã được sử dụng từ iPhone 4, công ty vẫn đang tiếp tục mở rộng sang các chip chuyên dụng cho đồ họa và các bộ xử lý hình ảnh trên thiết bị cũng như trí tuệ nhân tạo.
Theo đó, Google sẽ đi theo con đường của Apple đó là tự tay thiết kế những vi xử lý mà họ cần trên những thiết bị của mình, từ điện thoại, chromebook tới các thiết bị nhà thông minh Google Home, và thậm chí là cả những mẫu table và các thiết bị đeo thông minh khác.
Những điều này cho thấy, các nhà sản xuất phần mềm và thiết bị lớn nhất thế giới công nghệ đang nỗ lực thoát khỏi phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip. Đối với Google, trong những năm gần đây, họ đã mở rộng mảng thiết bị của mình sang loa thông minh và nhiều thiết bị điều khiển bằng AI khác.
Do vậy, việc tự thiết kế chip là cách làm tối ưu để đảm bảo việc tích hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm, như Apple đã làm với iPhone và các phụ kiện của của họ. Với tiềm lực kinh tế và kế hoạch thu hút nhân tài của mình, Google có thể tự giải phóng mình ra khỏi bộ xử lý Snapdragon của Qualcomm trong tương lai.