Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin cho rằng, cuộc gọi rác xuất phát từ 2 nguyên nhân, đó là sự quản lý có phần lỏng lẻo của nhà mạng và thói quen bảo mật thông tin của người dùng.
Với nhà mạng, việc quản lý thông tin đăng ký thuê bao mới đang quá dễ dàng, hệ quả là khó xử lý dứt điểm vấn nạn SIM rác.
Về phía người dân, thói quen vô tư đăng tải thông tin cá nhân trên mạng xã hội hoặc để lại số điện thoại khi mua hàng cũng khiến cho các cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn, cuộc gọi rác tận dụng cơ hội để “khủng bố”.
Tại họp báo ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc rà soát những tổ chức, cá nhân sở hữu nhiều sim. Cụ thể, người đăng ký từ 10 sim trở lên sẽ bị kiểm tra, nhằm bảo đảm tất cả thuê bao dùng sim chính chủ, đúng với mục đích sử dụng.
Đây là bước tiếp theo của Bộ trong việc loại bỏ tình trạng sim rác. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bộ đã hoàn tất giai đoạn chuẩn hóa thông tin đăng ký thuê bao và đang bắt đầu giai đoạn mới là xác minh thông tin người dùng.
"Trong giai đoạn này, Bộ sẽ có biện pháp nhằm đảm bảo số sim ứng với thông tin đăng ký được sử dụng bởi chính chủ", ông Lâm nói.
Bộ TT&TT cũng cho biết, từ tháng 4/2023, Bộ đã tổ chức 82 đoàn thanh tra trên cả nước về việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dự kiến kết thúc trong tháng 6. Chiến dịch tập trung vào việc xử lý việc lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sim, tình trạng cố tình đăng ký nhiều sim để lưu thông ra thị trường nhưng không chuyển quyền sử dụng.
Tính đến cuối 2022, Việt Nam có 127 triệu thuê bao hoạt động, bao gồm cả sim rác, thường được dùng trong các hoạt động như gọi điện, nhắn tin quảng cáo hay lừa đảo. Vấn nạn này vẫn tồn tại do nhiều nhóm sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt sẵn sim và bán ra thị trường; mua sim đã đăng ký bằng thông tin của người khác nhưng không cập nhật lại khi chuyển quyền sử dụng theo quy định. Ngoài ra còn có tình trạng giả mạo, sửa đổi giấy tờ tùy thân để đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sim số lượng lớn nhưng không chứng minh được mục đích sử dụng.
Trước đó, các nhà mạng cũng được yêu cầu thông báo đến người dùng đi chuẩn hóa thông tin thuê bao không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Gần 1,7 triệu thuê bao không thực hiện đã bị khóa một chiều.
Tuy nhiên theo Bộ, thời gian qua, hoạt động mua bán sim rác vẫn diễn ra phổ biến, mặc dù thuê bao có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng.
Điều này là do nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên hàng nghìn sim nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế. Các sim này được sử dụng cho các mục đích xấu như cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, xúc phạm, gây mất trật tự an toàn xã hội, khiến nhiều người dân bị thiệt hại tài sản.