Giám đốc Roskomnadzor Alexander Zharov cho biết cơ quan này đã chặn 18 mạng phụ (sub-network) và một số lượng đáng kể các địa chỉ IP liên quan dịch vụ đám mây của Google và Amazon "trên cơ sở quyết định của tòa án về việc phong tỏa Telegram".
“Chúng tôi đã thông báo cho cả hai công ty rằng một số lượng đáng kể các địa chỉ IP nằm dữ liệu đám mây của hai dịch vụ này đã bị chặn lại trên cơ sở phán quyết của tòa án (để chặn Telegram)”, ông Zharov nói.
Một số người dùng đã sử dụng mạng riêng ảo làm có vẻ như họ đang truy cập internet từ một quốc gia khác. Việc chặn các địa chỉ IP đã ngăn không cho người dùng internet Nga truy cập Telegram và các dịch vụ khác định tuyến nội dung thông qua các máy chủ Google và Amazon.
Ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia thuộc Liên Xô trước đây và khu vực Trung Đông. Khoảng 7% số tài khoản của Telegram là của người Nga. Ngày 16/4, một tòa án ở Moskva đã ra phán quyết phong tỏa các dịch vụ của Telegram trên lãnh thổ Nga, sau khi công ty này từ chối cung cấp cho Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) chìa khóa giải mã các tin nhắn của người sử dụng.
Cùng với việc trở nên phổ biến với các nhà báo và các thành viên của phe đối lập chính trị Nga cũng đã sử dụng Telegram để liên lạc với Kremlin và sắp xếp cuộc họp hội nghị thường xuyên với phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin.
Trước đó, năm 2017, FSB cảnh báo rằng thành viên của các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Nga đã tích cực sử dụng ứng dụng tin nhắn Telegram liên lạc với nhau bằng thông tin có độ mã hóa cao. Telegram cũng đã được sử dụng để chuẩn bị cho cuộc tấn công khủng bố tại ga tàu điện ngầm ở thành phố Saint Peterburg tháng 4/2017, khiến 15 người thiệt mạng.